1. Arsenal đại thắng Chelsea với một tỷ số đáng sợ. Cả thế giới xôn xao. Nhưng loạt đấu của các giải VĐQG cuối tuần qua, kỷ lục thế giới mới trong bóng đá lại đến từ nước Nhật. Với một cú đánh đầu thành bàn từ khoảng cách… 58 mét, hậu vệ Ryujiro Ueda của Fagiano Okayama ở giải hạng Hai Nhật Bản đã lập kỷ lục mới về khoảng cách của một bàn thắng bằng đầu.
Con số 58 mét ấy đọc lên nghe rất đáng hoảng hốt: ghi bàn bằng chân từ phần sân nhà đã là điều hiếm có, đằng này lại là một cú đánh đầu. Hẳn sẽ có người tưởng tượng ra cảnh Ueda thực hiện một cú “thiết đầu công” bắn quả bóng như viên đạn đại bác đi hết nửa sân găm vào lưới.
Kỷ lục thế giới được thiết lập nhạt hơn thế nhiều. Ueda có đánh đầu rất mạnh, nhưng cũng chỉ đủ để quả bóng bay bổng lên cao, thành đường parabol rồi… từ từ rơi vào khung thành khi thủ môn đối phương đã lên quá cao.
Và tất nhiên là không thể vì người Nhật bây giờ giữ kỷ lục về một bàn thắng bằng đầu, mà khẳng định rằng họ là một nền bóng đá giỏi chơi đầu. Sức mạnh của người Nhật nằm ở sự khéo léo của đôi chân và tính kỷ luật.
Cũng là kỷ lục thế giới, nhưng các kỷ lục của Usan Bolt khẳng định rằng Jamaica có một nền điền kinh mạnh, kỷ lục của Ian Thorpe phản ánh sức mạnh của cường quốc bơi lội Australia, còn kỷ lục của Ryujiro Ueda… chỉ để xem cho vui.
2.Các hiện tượng phi thường thường xuyên được nhắc đến trọng thị với những lời tán tụng mây gió, dễ tạo cho người ta cảm giác về việc nó phản ánh một bản chất phi thường. Nhưng hiện tượng lúc nào cũng có 2 loại: loại phản ánh bản chất và loại không.
“Hiện tượng phi thường” đã diễn ra ở Stamford Bridge, ngay cả những người yêu Arsenal nhất cũng hiểu rằng không phản ánh chính xác bản chất của Pháo thủ.
Gạt sang một bên trường hợp của Robin van Persie, người mà gần một năm qua bật lên như “ngôi sao cô đơn” của sân Emirates, thì những cầu thủ đã chói sáng trước Chelsea đều không có được sự ổn định. Theo Walcott, người tưởng đã trở thành siêu sao mới của nước Anh sau show độc diễn trước Croatia 2 năm trước, nổi tiếng về mặt “hiện tượng không đi kèm bản chất” nhất. Aaron Ramsey, Gervinho đều cho thấy họ còn quá bốc đồng.
Arsenal không trưởng thành chỉ sau một trận. Quá trình xây dựng đội bóng ấy, còn kéo dài.
3. Không thể phủ nhận “hiện tượng Stamford Bridge” đến từ các phẩm chất tự thân của Arsenal. Cũng như chẳng ai dám bảo Ryujiro Ueda không biết đánh đầu: chẳng cần biết thủ môn đối phương đứng ở đâu, đưa được quả bóng đi đúng hướng từ khoảng cách ấy đã là một pha xử lý xuất sắc.
Họ chơi hay. Nhưng không thể vì một tỷ số phi thường mà ảo tưởng. Nói như chính Roberto Mancini, người sở hữu đội hình đắt giá nhất nước Anh: “Chúng tôi quên trận thắng Man United chỉ sau vài ngày”. Đúng là Man City nên quên ngay đi, vì cuối tuần trước đã lại thấy họ chật vật mới thắng được kẻ tiểu tốt Wolves.
Arsenal cũng cần quên. Những CĐV của họ cũng cần quên. Bởi trận thua M.U mới là hiện tượng gần với bản chất hơn. Dẫu sao, nó cũng có cả tá các bằng chứng khác phụ họa.
Arsenal đã lại có quyền hy vọng. Nhưng họ không có quyền nuôi ảo mộng. Trong các thời kỳ trước, khi còn mạnh hơn bây giờ, họ đã luôn nổi tiếng với việc chơi hay đầu mùa rồi hụt hơi ở giai đoạn cuối.
Tâm lý có được sau chiến thắng trước Chelsea, nếu tiếp tục được khai thác bằng các mỹ từ, có khi lại thành nguy hại với những cái đầu trẻ dại của Wenger.
Bongda.com.vn