KHÔNG CẦN THẮNG, CHỈ CẦN LOẠI BỎ ĐỐI PHƯƠNG
Ở một mức độ nào đó, có thể cho rằng tỷ số 3-2 của trận Galatasaray - Real là không “thật”. Real không có Iker Casillas, Xabi Alonso, Sergio Ramos. Họ vẫn mở được tỷ số trên sân đối phương, và khi Cristiano Ronaldo mở tỷ số thì Galatasaray cần ghi lại ít nhất 5 bàn mới đủ để lật ngược tình thế. Về mặt lối chơi, đôi bên đều thay đổi nhiều sau bàn thắng của Ronaldo. Rõ ràng, đấy không còn là một cuộc thư hùng đích thực nữa. Và đương nhiên là phải như vậy, khi Real đã thắng đến 3-0 ở trận lượt đi.
Tóm lại, thầy trò Jose Mourinho đã lấy vé vào vòng bán kết Champions League 2012/13 từ sau lượt đi của vòng tứ kết. Đấy cũng là đặc điểm chung của các cặp đấu còn lại. Tất nhiên, hành trình tiến vào bán kết của Juventus, Barca và Dortmund không bằng phẳng như Real, vì lý do đơn giản: đối thủ của họ “nặng ký” hơn Galatasaray. Nhưng kết luận lớn nhất vẫn là: một khi Champions League đã đi vào giai đoạn quyết định, thì ưu thế sau trận lượt đi, dù chỉ là ưu thế nhỏ, rất khó thay đổi.
Thật ra, Barca đâu có thắng nổi PSG! Nói vậy không sai. Nhưng đây là giai đoạn knock-out, nơi người ta chỉ nhắm đến mục đích “loại bỏ đối phương”, chứ không hề có 3 điểm cho mỗi trận thắng. Với Barca, tỷ số hòa 2-2 trên sân Parc des Princes cũng giống như một chiến thắng.
Và trong hoàn cảnh đã ghi 2 bàn với kết quả hòa trên sân đối phương thì nếu Barca lại hòa trên sân nhà, đấy vẫn là một kết quả thắng lợi. Điều cốt lõi là PSG đã không có cách gì thay đổi được cục diện trong cặp đấu này (vâng, đồng ý là họ dẫn điểm trên sân Nou Camp).
CHIẾN THẮNG CỦA ĐẲNG CẤP
Dortmund cũng chỉ vào vòng bán kết bằng một ưu thế nhỏ nhoi trước Malaga. Và ở đây, chúng ta cũng không thể nói rằng Dortmund (hoặc Barca) lấy vé đi tiếp một cách kém thuyết phục.
Ở trận lượt đi, thầy trò Juergen Klopp tỏ ra lấn lướt, tạo được cơ hội nhiều hơn, nhưng đành chấp nhận kết quả hòa 0-0 trên sân Malaga. Nói cách khác, đáng lẽ Dortmund đã phải thắng ở trận ấy. Lối chơi pressing tích cực của Dortmund là chi tiết chuyên môn đáng chú ý nhất. Tất nhiên, mọi người đều biết về diễn biến đầy kịch tích trong hai phút chót của trận lượt về, khi Dortmund ghi liền 2 bàn để thắng ngược 3-2.
Nhưng, bóng đá là vậy. Xét về chuyên môn, những gì Dortmund đã thể hiện được ở trận lượt đi rõ ràng là không thay đổi ở lượt về. Dortmund vẫn hơn hẳn. Và, suy cho cùng thì Malaga bị loại không chỉ vì cái kịch tính thường được nói đến trong bóng đá. Sao không ai nói họ bị loại vì không chịu nổi áp lực quá nặng nề mà Dortmund gây ra trong những phút chót?
Trong bóng đá đỉnh cao, giới cầm quân luôn phải nghiên cứu thật kỹ về đối phương, đồng thời suy nghĩ nát nước về các giải pháp tối ưu cho đội mình. Nói cách khác, kết quả thi đấu ở giai đoạn quyết định này thường liên quan đến khâu chuẩn bị trước đó, hơn là bởi các tình huống cụ thể trên sân.
Đấy là lý do vì sao vòng tứ kết Champions League đã gần như ngã ngũ ngay sau lượt đi. Chiến thắng 2-0 của Bayern trước Juventus thoạt trông thì không có vẻ “đàn áp” chút nào. Nhưng trận lượt về đã cho thấy rõ: đơn giản là Bayern hơn về đẳng cấp, chứ vấn đề không phải là thắng bao nhiêu bàn.
Một khi các bên đều đã chuẩn bị thật kỹ, đã hiểu rõ về nhau, với tương quan lực lượng đã được phơi bày, thì việc lật ngược tình thế sau trận lượt đi là điều cực khó. Cả PSG lẫn Malaga đều đã cố gắng tột bậc, đã tiến thật sát đến cuộc lật đổ ngoạn mục, nhưng rút cuộc đều không thành công. Ngẫm lại mới thấy Barca xuất sắc ra sao khi họ thắng ngược AC Milan tới 4-0 dù bị thua 0-2 trong trận lượt đi ở vòng trước!
THỐNG KÊ CHUYÊN MÔN TÍNH ĐẾN HẾT VÒNG TỨ KẾT
- Giữ bóng nhiều nhất: 1/Barca (bình quân 72,3%); 2/Bayern (57,5%); 3/Porto (56%); 4/Schalke (55%); 5/M.U (54,8%).
- Tranh chấp bóng bổng tốt nhất: 1/PSG (66,5%); 2/Bayern (61,3%); 3/Arsenal (58,5%); 4/Benfica (58,4%); 5/CFR Cluj (56,5%).
- Chuyền bóng chính xác nhất: 1/Barca (90,9%); 2/M.U (86,7%); 3/Chelsea (86,4%); 4/Bayern (86,1%); 5/Valencia (85,4%).
- Dứt điểm nhiều nhất: 1/Real (bình quân 20 lần/trận); 2/Schalke (17,9); 3/Bayern (17,8); 4/Benfica (17,8); 5/Braga (16,8).
- Bị sút cầu môn ít nhất: 1/Porto (bình quân 7,8 lần/trận); 2/Bayern (9,1); 3/Benfica (9,3); 4/Lille (9,5); 5/Barca (10,1).
- Cầu thủ ghi bàn nhiều nhất: 1/Ronaldo (Real, 11 bàn); 2/Yilmaz (Galatasaray, 8 bàn), Messi (Barca, 8 bàn); 4/Lewandowski (Dortmund, 6 bàn); 5/Alan (Braga, 5 bàn), Lavezzi (PSG, 5 bàn), Jonas (Valencia, 5 bàn), Oscar (Chelsea, 5 bàn), Mueller (Bayern, 5 bàn).
- Cầu thủ dứt điểm nhiều nhất (chỉ tính những người thi đấu 6 trận trở lên): 1/Ronaldo (Real - bình quân 7 lần/trận); 2/Ibrahimovic (PSG - 4,3); 3/Robben (Bayern - 4,2); 4/Messi (Barca - 4); 5/Van Persie (M.U - 3,5).
- Cầu thủ chuyền bóng chính xác nhất (chỉ tính những cầu thủ thi đấu 6 trận trở lên): 1/Xavi (Barca - 95,3%); 2/Ricardo Costa (Valencia - 94,8%); 3/Song (Barca - 94,4%); 4/Enoch Adu (Nordsjaelland - 93,4%); 5/Mascherano (Barca - 93%).
- Cầu thủ chuyền thành bàn nhiều nhất: 1/Ibrahimovic (PSG, 7 lần); 2/Di Maria (Real, 4 lần), Eriksen (Ajax, 4 lần), Goetze (Dortmund, 4 lần), Giroud (Arsenal, 4 lần), Lahm (Bayern, 4 lần), Selcuk Inan (Galatasaray, 4 lần), Xavi (Barca, 4 lần).