Monaco thua một trận đánh, thắng cả cuộc chiến
HÀNH TRÌNH PHỤC SINH
Cần nhớ, đội bóng vừa vượt qua Arsenal từng đứng áp chót BXH Ligue 2 vào tháng 1/2012. Nhưng với sức bật phi thường, Monaco đã thoát khỏi tấm vé xuống hạng Ba khi cán đích thứ 8 vào cuối mùa. Tinh thần của cuộc đào thoát ngoạn mục đó luôn tồn tại ở Louis II. Điển hình như mùa này, thầy trò Leonardo Jardim hẳn chưa bao giờ dám đặt mục tiêu vào tứ kết Champions League trong bối cảnh chia tay hàng loạt ngôi sao. Nhưng rốt cuộc họ đã làm được bằng cách bước qua xác một ông lớn châu Âu là Arsenal. Và ở Ligue 1, nếu Monaco thắng Montpellier trong trận đấu bù vào 7/4 thì hy vọng vô địch lại thắp sáng với thầy trò Jardim.
Hiện tại tươi đẹp đó khác xa quá khứ đen tối chỉ mới rời xa Louis II chưa lâu. Hai năm trước, Monaco còn đá tại giải hạng Nhì Pháp. Bốn năm trước, họ còn chìm trong cơn khủng hoảng tồi tệ nhất khi nhận vé xuống hạng tại Ligue 1 2010/11. Cơn suy thoái lịch sử đặt người Monaco vào cuộc cách mạng lịch sử: chuyển giao cho chủ ngoại để chấm dứt 87 năm thuộc về hoàng gia Monaco. Sự có mặt của tỷ phú người Nga Dmitri Rybolovlev vào tháng 12/11 đã làm lột xác đội bóng Công quốc. Monaco với đầu tư mạnh mẽ đã vô địch Ligue 2 chỉ sau 2 năm xuống hạng, đoạt ngôi Á quân Ligue 1 mùa trước và giờ đây đứng trong hàng ngũ 8 đội bóng mạnh nhất châu Âu.
Những siêu sao đến rồi đi như James Rodriguez, Radamel Falcao hóa ra không làm ảnh hưởng nhiều tới Monaco. Đội bóng của Jardim không mạnh bằng mùa trước nhưng lì lợm hơn, vững vàng hơn với một lối chơi “biết người biết ta”. Đặt cạnh một PSG toàn sao, tấm vé của Monaco mang tới vẻ đẹp của một tập thể gắn kết và quật cường. Tính cách Monaco, có thể gọi như vậy, khi trong quá khứ những Monaco của Jean Tigana (vào bán kết Champions League 1997/98) và Monaco của Deschamps (chung kết Champions League 03/04) cũng thành công theo cách tương tự.
DẤU ẤN CHỦ NGOẠI
Monaco đã theo bước PSG để giành vé vào tứ kết Champions League 2014/15. Điểm chung dễ thấy giữa họ: cả hai đều thuộc về chủ ngoại. Đó chính là nguyên nhân quan trọng nhất cho thành công của hai đội bóng Pháp. Không có núi tiền từ giới chủ Qatar, PSG sẽ không thể có đội ngũ hùng mạnh để thi đấu sòng phẳng với Chelsea. Còn Monaco, họ đã thay 90% lực lượng so với khi giành quyền thăng hạng Ligue 1 vào năm 2013. Chính những đồng rúp Nga đã biến đội hạng Nhì Pháp hai năm trước thành một đội bóng tiềm lực ở châu Âu.
Trên thực tế, những cuộc đổi chủ tại Monaco và PSG chưa tạo ra “trào lưu” tại Ligue 1. Có một xu thế mới “lành mạnh” và “chính thống” hơn đang được Lyon khởi xướng. Đội chủ sân Gerland quyết cải tổ trên chính đôi chân của mình, bằng một dự án xây sân mới đồ sộ, bằng chiến lược đào tạo trẻ bài bản đang tạo ra trái ngọt với ngôi đầu Ligue 1. Tương tự Lyon, Lille cũng đã có sân mới Pierre Mauroy cho tham vọng lớn trong tương lai. Đó là những tín hiệu mừng cho sự chuyển mình tích cực của bóng đá Pháp. Song những kế hoạch đường dài không thể mang lại thành công lập tức. Mùa này cả Lyon và Lille đều bị loại sớm tại Europa League.
Vì thế, cậy nhờ chủ ngoại vẫn là con đường ngắn nhất nếu người Pháp muốn thành công như Monaco và PSG.
Lần thứ 3 của Pháp
Đây là lần thứ ba trong lịch sử Champions League, Pháp góp 2 đại diện tại vòng tứ kết (Monaco và PSG). Hai lần trước là mùa giải 2009/10 với Bordeaux và Lyon và mùa giải 2003/04 với Monaco, Lyon.