May rủi trong loạt sút luân lưu: Học thuyết trò chơi
1. Mỗi trận chung kết diễn ra, bất kỳ ai cũng phải nghĩ đến loạt luân lưu. Bayern và Dortmund đều đã chuẩn bị đủ các phương án, nhưng không phải bằng cách tập đá mà là nghiên cứu đối thủ. Và đã đến lúc, đá 11m hay cụ thể hơn là đá luân lưu phải được coi như một trận đấu mang tính chiến thuật hơn là coi nó như màn quay xổ số. Mùa trước, Bayern Munich thất bại đau đớn trước Chelsea vì chấm 11m.
Đá luân lưu không chỉ cần có bản lĩnh, sự tự tin, mà nó là cả một chiến lược. Đó là lý do tại sao Chelsea lại hạ một Bayern chưa bao giờ thua trong loạt luân lưu, sau khi họ đã thất bại trong trận chung kết năm 2008 trước Man Utd cũng vì những cú đá 11m. Và đây là lời giải, không chỉ cho Chelsea mà còn có ý nghĩa với Bayern và Dortmund, nếu họ phải phân định thắng thua trên chấm luân lưu.
2. HLV Avram Grant rời khỏi chiếc bàn làm việc, đứng dậy giả vờ điệu bộ của John Terry khi chuẩn bị đá cú luân lưu quyết định trong trận chung kết Champions League năm 2008. Tay kéo băng đội trưởng, mồm lảm nhảm: “Đá vào, ta sẽ vô địch. Ta là đội trưởng. Ta mạnh mẽ. Ta sẽ thực hiện thành công!”. Nhưng rồi Grant dừng lại, mếu máo: “Thế là đủ rồi. Đó mới là bóng đá. Đó chỉ là tai nạn“. Báo chí Anh dằn vặt Terry. Các tạp chí kinh tế thống kê cú đá hỏng của Terry trị giá 170 triệu USD.
Câu chuyện bắt đầu từ năm 1995, nhà kinh tế học, toán học xứ Basque có tên là Ignacio Palacios Huerta đã nghiên cứu về loạt đá luân lưu và những quả phạt đền. Nghiên cứu này có sự giúp đỡ của một giáo sư toán học tại trường đại học Israel và người này là bạn thân của HLV A.Grant. Khi Chelsea có mặt ở chung kết Champions League 2007/08, không khó khăn để một văn bản gồm 4 quy tắc đá luân lưu xuất hiện bí mật trong phòng làm việc của Grant:
- Thủ môn Van der Sar thường đổ người theo phía chân thuận của cầu thủ đá 11m. Có nghĩa, cầu thủ thuận chân phải thì Van der Sar sẽ đổ về phía tay trái của mình. Vì thế, cầu thủ Chelsea phải sút ngược chiều thuận.
- Van der Sar thường xuyên cản phá bằng cách bay người cao, trong khoảng 1m đến 1,5m. Khi đó, hãy đá bóng sệt hoặc cao hẳn.
- Cristiano Ronaldo rất đặc trưng. Nếu anh ta dừng lại trước khi sút thì 80% cú sút đó bay về phía phải của thủ môn. Và điều quan trọng là thủ môn không được di chuyển sớm khi Ronaldo đá.
- Nếu có quyền chọn, hãy chọn đá trước bởi 60% chiến thắng thuộc về đội có quyền đá trước.
Những gì diễn ra trên TV như sau: Ferdinand thắng bốc thăm, Terry xin đá trước nhưng bị từ chối.
Ballack đá sang trái ngược chân thuận. Belletti sút góc thấp phía trái. Hoàn toàn chuẩn xác khi Van der Sar đều bay ngược. Ronaldo bước lên. Chạy đà. Dừng lại. Sút. Bóng sang phải. Cech thành công. Lampard, A.Cole, Kalou (cả Terry nữa) đều đá ngược chân thuận và chỉ Terry đá hỏng do trượt chân.
Đến cú đá thứ 7, Anelka không tuân theo quy luật của Ignacio và thất bại. Đây chính là lời giải oan cho Terry. Anelka mới là tội đồ. Anelka mới là kẻ đốt 170 triệu USD của Chelsea.
3. Đây là bài học sâu sắc mà bất kỳ CLB nào cũng phải nằm lòng. Và có lẽ, nghiên cứu của Ignacio sẽ bán rất đắt hàng. Nhưng đó chỉ là một trong nhiều phương án. Và chính người Đức cũng từng coi loạt luân lưu như một phương thức chiến đấu. Nhưng có lẽ họ cho rằng đó vẫn là… ăn may nên bỏ quên nó từ năm 2006.
Chiến thắng của Đức trước Argentina ở tứ kết World Cup 2006 (1-1, luân lưu 4-2), người ta thấy thủ môn dự bị Kahn bắt tay Lehmann rất thân thiện, rồi đưa một mảnh giấy. Đó là tờ giấy của khách sạn họ đóng quân, trên đó HLV thủ môn A.Koepke đã ghi rõ nghiên cứu của mình về 7 cầu thủ đá luân lưu của Argentina. Cụ thể: 1.Riquelme: trái; 2.Crespo: chạy dài-phải, chạy ngắn-trái; 3.Heinze: trái thấp; 4.Số 2 (Ayala Koepke không biết số 2 tên là gì!): đứng lâu, phía phải; 5.Messi: trái; 6. Số 16 (Aimar): trái; 7. Số 18 (Rodriguez): trái. Chỉ có Ayala và Rodriguez trong danh sách trên thực hiện đá luân lưu. Họ đá đúng như vậy, trong đó Ayala bị Lehmann tóm dính.
Rất có thể Dortmund và Bayern sẽ phải lôi nhau vào loạt “đấu súng”. Nhưng ở đó sẽ không có định mệnh. Chắc chắn họ sẽ phải chuẩn bị những kết luận về cách bắt, cách đá của đối thủ. Và đó sẽ là cuộc cân não thực sự, một cuộc cân não có dấu ấn chiến thuật chứ không đơn giản là trò may rủi. Đó là học thuyết mới của cuộc chơi!
CON SỐ
1.417. Nhà kinh tế học, toán học Ignacio lưu giữ hình ảnh của 1.417 quả penalty trong các trận đấu chính thức khắp thế giới từ năm 1995 đến 2000. Thống kê cho thấy, tỷ lệ thành công ở châu Âu là 72,4%, Nam Mỹ chỉ đạt 67,8%. Tỷ lệ sút 11m thành công nói chung là 70%.