Lăng kính: Trận chung kết tất yếu
1. GĐTT Matthias Sammer của Bayern Munich, người đã cùng tham gia kiến thiết hệ thống đào tạo trẻ của bóng đá Đức, cũng không coi trận chung kết này là kết quả của điều gì khác ngoài “một quá trình làm việc chăm chỉ”.
Nó không chỉ là kết quả của một chiến lược, mà còn của một thái độ. Thực tế thì trong số các nền bóng đá lớn ở châu Âu, chẳng có nền bóng đá nào không có một kế hoạch phát triển nền bóng đá (không thì sinh ra Liên đoàn để làm gì?).
2. Hãy nghĩ đến việc chủ tịch Uli Hoeness của Bayern cho Dortmund vay 2 triệu euro để trả lương hồi năm 2003. Tờ Telegraph của Anh viết rằng: “Hãy tưởng tượng rằng Man United cho Leeds vay tiền khi họ chuẩn bị phá sản, hoặc một CLB lớn nào đó gửi cho Portsmouth một tấm séc 7 chữ số. Không có. Không thể có. Chuyện đó không diễn ra ở nước Anh”.
Bayern Munich không chỉ giúp Dortmund. Tất cả những CLB tìm đến Uli Hoeness, đều nhận được sự giúp đỡ. Họ đã giúp Hertha Berlin, St.Pauli, 1860 Munich, những CLB ngập trong khó khăn, bằng nhiều cách. Họ có thể giúp cả những đối thủ của mình trong derby Munich (1860) hay derby nước Đức (Dortmund).
Đó là một nền bóng đá của cộng đồng, và tất cả những người làm bóng đá Đức đều tự xác định được điều đó.
Khi 18 CLB phía dưới kêu gào van vỉ Real và Barca hãy làm gì đó để cứu họ, bằng việc chia lại bản quyền truyền hình La Liga, tất cả những gì đáp lại là những cái lắc đầu. Atletico, Valencia đều đang bên bờ vực phá sản. Chủ tịch Sevilla thì bảo: “Bây giờ bán được cầu thủ nào tôi cũng bán”. La Liga chìm trong nợ nần.
Khi HLV trưởng đội tuyển Anh Roy Hodgson than vãn về việc các CLB Premiership vắt kiệt cầu thủ của họ trong những chuyến du đấu vô nghĩa mùa Hè, chỉ có Chelsea đáp lại chừng mực bằng việc nhả Terry, Cole và Lampard sau một trận ở Mỹ.
Khi các quan chức Liên đoàn bóng đá Anh hô hoán lên về việc nước Anh cần học theo mô hình đào tạo của Đức và Tây Ban Nha, không một ai hưởng ứng họ: Premiership vẫn và sẽ được xây dựng bằng việc mua về những ngôi sao tốt nhất từ khắp thế giới, chứ không ai muốn đào tạo trẻ cho mất thì giờ.
3. Ai cũng có chiến lược. Nhưng những chiến lược ấy được thực hiện bằng những thái độ khác nhau.
Bundesliga và đội tuyển Đức cùng tiến lên, các CLB Đức có một tình hình tài chính lành mạnh, và giờ là một trận chung kết Champions League toàn Đức, một cái kết hoàn hảo. Chậm, nhưng họ đã đặt “cái chung” lên đầu. Thái độ với “cái chung” ấy là thứ không thể tìm được ở các nền bóng đá lớn khác, các CLB lớn khác ở châu Âu.
Khi được hỏi rằng liệu nước Đức có thể giúp cho các nền bóng đá nhỏ xây dựng mô hình của riêng họ hay không, tham tán Yannis Neophytou trả lời: “Vấn đề là các bạn cần phải biết mình muốn gì”.
Đó là một câu trả lời rất súc tích. Vấn đề là người ta phải biết mình muốn gì. Có thể là Premiership chỉ muốn thành công cấp CLB, mặc xác đội tuyển. Có thể là Real và Barca chỉ muốn danh hiệu cho riêng mình, không cần quan tâm đến những kẻ sắp chết đói tại La Liga.
Người Đức có vẻ muốn hơi nhiều thứ. Vì thế nên họ mất hơi nhiều thời gian để đến được trận chung kết tại Wembley đêm nay.