1. Tôi không thể quên được hình ảnh em bé dắt tay Ronaldo khi ấy. Đi cùng một siêu sao lớn, ắt hẳn đó phải là một hạnh phúc. Nhưng có thể, em bé chẳng quá quan tâm người mình dắt tay nổi danh hơn những cầu thủ mà bạn của bé đi cùng. Bé con ấy, lúc đi ra chào sân, đã bị tụt lại so với CR7. Và bé vội vã chạy theo cho kịp. Bé không muốn bị lỡ nhịp so với tất cả. Cũng có thể bé muốn thời gian đứng cạnh “chú” CR7 lâu hơn. Không ai biết, không ai hiểu, nhưng nhìn bước đi thì rõ là háo hức. Kết thúc chào sân, cả đám trẻ con lại vội vã chạy về phía đường biên. Các bé biết là phải nhường sân chơi cho người lớn càng nhanh càng tốt.
Tất cả những em bé ấy đều hân hoan vì trong mắt chúng không có ranh giới Munich-Real. Chúng hạnh phúc vì được dắt những chú cầu thủ ra sân, thế thôi!
2. Trận lượt đi ở Stamford Bridge, người TBN tin rằng người London không chơi xấu, không biến sân cỏ thành ruộng khoai tây. Như Mata từng nói: “Ai chẳng thích đá trên cỏ đẹp. Sân xấu thì chúng tôi cũng dễ chấn thương chứ chẳng riêng gì họ”. Và Chelsea đã chăm lo mặt sân rất kỹ, biến nó thành “lụa là” cho khách VIP ghé thăm.
Nhưng trời không chiều lòng người khi mưa quá lớn khiến Barca khó thi triển được đặc sản Tiqui-taca một cách hoàn hảo. Nhưng họ cũng không đổ lỗi cho trời mưa sau khi bị thủng lưới bởi Drogba. Lần đầu tiên, cuộc đối đầu Chelsea - Barca không có chỉ trích, mỉa mai hay đổ lỗi… Đơn giản, thua là thua!
Và HLV Di Matteo, dù đội nhà thắng, cũng thừa nhận cơ hội của Chelsea chỉ có 50%. Còn trận lượt về, ông biết nó sẽ rất khó khăn. Nhưng khán giả Chelsea thì không quân tử như thế. Trên khán đài, họ réo vang “Lũ lừa đảo” để ám chỉ Barca hay ngã vờ.
3. Nếu ai từng chơi game với trẻ con sẽ thấy chúng không dễ dàng chấp nhận thất bại. Đó là một tính cách rất tốt để trưởng thành. Khát vọng chiến thắng là khát vọng đẹp đẽ nhất.
Nhưng trẻ con không chơi game với sự hằn thù. Thua, chúng chơi lại cho kỳ thắng mới thôi. Chúng không thù ghét đối thủ. Vì chúng còn đôi mắt trẻ thơ, trong sáng và hồn nhiên.
Real thua, báo chí thân Barca cũng tỏ vẻ hoan hỉ. Barca thua, báo chí thân Real hoan hỉ chẳng kém. Đó là dấu vết hận thù còn hằn trong họ. Và nhiều người cho rằng, cặp đấu Barca - Real hấp dẫn vì có thù hằn. Không có thứ đó, trận đấu bị xem là kém ý nghĩa hơn rất nhiều.
Thật ra, bóng đá không cần hận thù. Bóng đá không phải chiến tranh để dùng lý thuyết “muốn dân chúng đồng thuận thì lãnh đạo phải chỉ ra kẻ thù chung”. Bóng đá vẫn có thể đẹp như cách của trẻ thơ: hiếu thắng, không chấp nhận thất bại, nhưng trong sáng.
Theo nhà triết học Nietzsche người đàn ông phải trải qua 3 giai đoạn: lạc đà - sư tử - trẻ thơ. Phấn đấu để bước vào cuộc đời như trẻ thơ thật khó. Những người chơi bóng đá, hâm mộ bóng đá vẫn giữ cái hận thù vô bổ ấy bằng những lời báng bổ nhau từ sân cỏ tới diễn đàn. Họ hoá ra vẫn chỉ là những con lạc đà với niềm tin mù quáng vào một thứ nhiều khi không có thật.
Và tiếc rằng, chính họ, biết đâu sẽ khiến những đứa bé hồn nhiên ở Munich kia mai này lớn lên với những hận thù trong bóng đá, vô ích và mơ hồ…
Bongdaplus.vn