1.Trang 42, sách Luật bóng đá của FIFA (Laws of the Game) quy định về tình huống thổi phạt penalty, hay còn gọi là điều 14: “Một quả penalty được thổi để phạt một đội vi phạm 1 trong 10 lỗi có thể dẫn đến đá phạt trực tiếp, trong vòng cấm của chính họ và khi bóng còn trong cuộc”.
Để hiểu được điều 14, lại phải giở ngược lại trang 34 để đọc điều 12, quy định về các tình huống phạm lỗi. Trong đó ghi rõ 10 lỗi có thể dẫn đến đá phạt trực tiếp (nếu phạm phải ngoài vòng cấm), và tất nhiên là “kéo đối thủ”, hành động mà trọng tài Kuipers cho rằng Nesta đã thực hiện với Busquets cũng nằm trong số đó.
Phải nhấn mạnh rằng luật chỉ quan tâm đến vị trí phạm lỗi, chứ không quan tâm đến vị trí quả bóng nếu nó còn trong cuộc. Ngay cả nếu Xavi đá phạt góc ở đầu sân bên này, đầu bên kia Cesar đánh nguội Ibrahimovic trong vòng cấm, penalty cũng có thể được thổi cho Milan.
Nghĩa là tình huống dẫn đến quả penalty thứ 2 dành cho Barcelona, trọng tài Kuipers có thể tuyên bố mình đã xử lý “đúng sách” (căn cứ trên nhận định cá nhân rằng Nesta đã phạm lỗi). Nói lý lẽ thì khó trách ông.
2.Nhưng người Italia và các CĐV của họ vẫn có quyền bức xúc. Một pha kéo áo trong khi đá phạt góc là lỗi quá bình thường. Ở bất kỳ trận nào khác, trọng tài có thể thổi phạt cầu thủ Milan, tặng anh này một chiếc thẻ vàng và cho đá lại phạt góc. Đó vẫn là một hành vi đúng luật, nhất là khi điều 17 (luật phạt góc) ghi một câu như thế này: “Trong các tình huống vi phạm khác, quả phạt góc được đá lại”.
“Vi phạm khác” này có thể là bất cứ thứ gì, kể cả một pha phạm lỗi. Bởi trong khoảnh khắc, đơn giản là không thể xác định được bóng đá vào cuộc hay chưa. Bóng được coi là vào cuộc khi cầu thủ đá phạt chạm chân vào nó. Nesta đã kéo Busquets trước hay sau cái tích tắc Xavi chạm vào quả bóng ở cột góc? Hỏi thế thì lại phải phân tích “kéo người” là gì, tính từ lúc bàn tay vung lên, từ lúc ngón tay Nesta nắm vào lớp vải áo hay từ lúc Busquets mất thăng bằng.
Chẳng sách nào quy định những thứ “dở hơi” ấy. Ông Bjorn Kuipers là người quyết định. Và ông đã làm. Theo một hướng có lợi cho Barca.
Ai cũng muốn tin rằng Kuipers đã vô tư. Nhưng là “muốn” vậy thôi, bởi việc một trận tứ kết Champions League bị bóp méo bởi nguyện vọng chứng kiến “El Clascio” ở chung kết của chủ tịch Platini nghe đau lòng quá. Chứ thực tế có thể không như ý muốn.
Ai cũng muốn nhìn thấu sự thật tận cùng. Nhưng cái cuốn sách luật tuyệt đối uy quyền ở trên, lại gián tiếp quy định rằng sự thật là cái mà trọng tài đã phán quyết.
3.Cuốn sách luật 140 trang gồm cả bìa, mục lục và trang lót mà FIFA phát hành không thể quy định về mọi tình huống trên sân. Nó chỉ mang tính chất định hướng. Và để đọc cuốn sách ấy, một ông trọng tài cũng có nhiều cách.
Cái cách Bjorn Kuipers đọc sách luật không khiến những người yêu bóng đá cảm thấy phục. Cũng giống như cái cách UEFA phân cho một ông trọng tài Tây Ban Nha bắt trận Marseille-Bayern để rồi hàng loạt cầu thủ Bayern đứng trước nguy cơ treo giò trước khi gặp Real. Đúng luật đàng hoàng, nhưng không thể tạo ra sự hài lòng.
Nó cứ bắt những người xem bóng đá và những người viết bóng đá phải nhớ lại cái tuyên bố hào sảng về “chung kết El Clasico” mà Platini đã nói trong ngày sinh nhật của Real Madrid mới đây.
Ông Kuipers đã đọc sách luật dưới ánh mặt trời, hay dưới một chiếc bóng đèn được trả tiền điện bởi BQTH Champions League?
Bongdaplus.vn