Champions League 2001/02: Real Madrid 2-1 Bayer Leverkusen
UEFA Cup 2001/02: Feyenoord 3-2 Borussia Dortmund
World Cup 2002: Brazil 2-0 Đức
EURO 2008: Tây Ban Nha 1-0 Đức
UEFA Cup 2008/09: Shakhtar Donetsk 2-1 (hiệp phụ) Werder Bremen
Champions League 2009/10: Inter Milan 2-0 Bayern Munich
Champions League 2011/12: Chelsea 1-1 (luân lưu 4-3) Bayern Munich
Trước tiên, hãy nhìn vào danh sách liệt kê phía trên về các trận chung kết cấp châu lục có CLB của Đức hoặc ĐT Đức góp mặt trong 11 năm qua. Cả 7 trận đấu, 7 lần hy vọng để rồi những giọt nước mắt người hâm mộ bóng đá Đức cứ nối tiếp nhau lăn dài trong nỗi tiếc nuối. Ngoài ra, còn có thể kể tới các trận bán kết World Cup 2006, ĐT Đức thua Italia bởi cú đá xuất thần của hậu vệ Fabio Grosso và 4 năm sau, họ một lần nữa dừng bước ở bán kết bởi pha đánh đầu của trung vệ Carles Puyol bên phía ĐT Tây Ban Nha.
Trong 7 trận chung kết nói trên, chỉ có World Cup 2002 và Champions League 2009/10 là ĐT Đức lẫn Bayern nhận thất bại một cách “tâm phục khẩu phục”, không có cơ may cưỡng lại đối thủ. Các trận còn lại, họ đã chiến đấu hết mình và xứng đáng có một cái kết tốt đẹp hơn. Nhiều người vẫn nói rằng bóng đá là một trò chơi, nhưng cảm tưởng trò chơi này quá đỗi nghiệt ngã với cả một nền bóng đá Đức trong hơn thập kỉ qua.
Tương lai bóng đá Đức phụ thuộc vào bản lĩnh của những trụ cột như Schweinsteiger
Đúng là người Đức luôn thiếu may mắn ở những thời khắc quyết định, song lời biện minh này chưa đủ lý giải cho những thất bại liên tiếp của họ. Nếu để ý có thể thấy, hơn 10 năm qua cũng là giai đoạn mà bóng đá Đức tái thiết từ cuộc khủng hoảng toàn diện hồi cuối thập niên 1990. Thời điểm đó, triết lý và tư tưởng của những người làm bóng đá tại quốc gia này bị cho là tụt hậu, cứng nhắc so với các nền bóng đá xung quanh.
Đâu rồi tinh thần Đức?
Trên hành trình tái sinh đau đớn, bóng đá Đức quyết định rẽ sang một hướng đi hoàn toàn mới: thay thế cho sự khô khan, toan tính là lối chơi hướng đến phục vụ khán giả nhiều hơn. Từ các trận đấu của ĐTQG cho đến cấp CLB thường diễn ra nhiều bàn thắng do các thế hệ cầu thủ mới ra lò được đào tạo theo một giáo trình chuẩn mực được bộ phận chuyên gia của LĐBĐ Đức cải tiến và phổ cập sâu rộng tới từng cấp bậc làm bóng đá trên cả nước. Hệ quả là mẫu cầu thủ to cao lực lưỡng chiến đấu bằng ý chí ngày một hiếm hoi, thay vào đó là một lứa cầu thủ chơi bóng với kỹ thuật toàn diện hơn nhiều.
Nhưng quy luật của cuộc sống, được mặt này sẽ mất mặt kia. Bản lĩnh thi đấu từng là phẩm chất mà cả thế giới ngưỡng mộ người Đức thì giờ đây trở thành điều xa xỉ. Chẳng cần dẫn chứng đâu xa, trận bán kết gặp Real Madrid, Philipp Lahm và Toni Kroos là hai cầu thủ đá hỏng phạt đền của Bayern. Rồi đến rạng sáng nay, Bastian Schweinsteiger là người thất bại ở loạt sút quyết định khiến Bayern mất cúp Champions League về tay Chelsea. Trước đó chỉ 3 ngày, ở trận chung kết giải U17 châu Âu, các cầu thủ trẻ của Đức cũng bị Hà Lan gỡ hòa ở phút bù giờ cuối cùng để rồi gục ngã trên loạt sút luân lưu định mệnh.
Bao giờ bóng đá Đức mới lại được hưởng niềm vui chiến thắng?
Chẳng thế mà HLV Jupp Heynckes của Bayern thừa nhận sau trận thua Chelsea rằng, nhiều học trò của ông đã từ chối trách nhiệm đá phạt luân lưu vì không đủ tự tin và mạnh mẽ đối đầu với sức ép quá lớn. Tiết lộ này chắc chắn sẽ khiến nhiều người cảm thấy bất ngờ bởi nó không bao giờ xảy ra với thế hệ Steffan Effenberg, Lothar Matthaeus hay Matthias Sammer… những mẫu cầu thủ càng gặp áp lực lại càng bộc lộ bản lĩnh.
Trong bóng đá, bản lĩnh là tiêu chí không thể định lượng cụ thể. Nhưng người ta mặc định rằng để thành công thì phải đủ bản lĩnh để đón nhận thời cơ đến. Đặt cạnh Chelsea ở trận đấu đêm qua thì Bayern chỉ có thể tự trách mình là bản lĩnh không bằng đối thủ. Họ đã có hai cơ hội tốt để kết thúc trận đấu, sau pha ghi bàn ở cuối trận của Thomas Mueller và quả phạt đền của Arjen Robben ở hiệp phụ nhưng đều không tận dụng thành công. Đó cũng là tình trạng chung của tất cả các đội bóng Đức trong hơn chục năm vừa qua.
Nước Đức đang đặt kỳ vọng lớn tại EURO 2012 tới đây với một thế hệ cầu thủ đầy tài năng mới nổi. Song, với việc bản sắc một thời làm nên vinh quang cho bóng đá Đức đã mai một rất nhiều, liệu rằng thành công có sớm trở lại với họ, hay người hâm mộ tiếp tục phải chờ cho đến khi tài năng và bản lĩnh của họ đều đạt độ chín? Và khi đó, những Lahm, Schweinsteiger và nhiều cái tên nữa liệu có chịu chung số phận cay đắng như Michael Ballack, cả sự nghiệp bén duyên với chức Á quân?
bongdaplus.vn