Định mệnh, số phận là những thứ cảm giác mơ hồ. Nhưng nếu nhìn lại cả chặng đường Champions League mà Chelsea đã đi, không thể nói chúng không tồn tại. Ngày 22/2/2012, Chelsea thua tan tác 1-3 trước Napoli trên đất Italia. Phần đông dư luận đã coi đó là dấu chấm hết cho The Blues tại sân chơi châu lục mùa này. Vì Napoli không phải chú gà mờ, nên người ta tin rằng, đại diện sáng giá của nước Ý sẽ không để Chelsea, dù chỉ là 1% cơ hội, tạo nên cuộc lội ngược dòng vĩ đại tại Stamford Bridge 23 ngày sau đó.
Nhưng vở kịch của số phận đã bắt đầu từ phút 28, đêm Stamford Bridge 15/3. Chelsea thắng Napoli tới 4-1, trong trận đấu mà bộ đôi lẽ ra phải đóng vai trò phòng ngự: Ivanovic và Terry bỗng còn làm tốt hơn nhiệm vụ của những hậu vệ. Chelsea cứ thế lầm lũi tiến, cho đến khi họ chạm mặt Barca.
Định mệnh tiếp tục đưa ra hai lời phán quyết: 1. Barca không thể trở thành CLB đầu tiên bảo vệ thành công chức vô địch Champions League. 2. Đội bóng xứ Catalan phải trả cho Chelsea tất cả những món nợ kinh điển mà trọng tài Tom Ovrebo đã tạm ứng cho họ trong đêm Stamford Bridge kỳ dị 3 năm về trước. Khi “cỗ máy ghi bàn” Messi đưa trái bóng đi trúng xà ngang khung thành Cech từ chấm penalty, người ta dường như đã lờ mờ cảm thấy cuộc chơi của Chelsea tại Champions League đang đi theo sự sắp đặt của định mệnh.
Và bây giờ, khi Chelsea đã ngự trị trên đỉnh châu Âu, sau một trận chung kết mà mọi chỉ số chuyên môn đều chỉ ra họ xứng đáng là kẻ thua cuộc (sút ít hơn Bayern tới… 34 quả, cầm bóng ít hơn, tạo ra ít cơ hội hơn…), những bại tướng mà The Blues đã bỏ lại trên chặng đường đăng quang dễ nảy sinh cảm giác: Chelsea đã lên ngôi nhờ một nụ hôn của Thần may mắn. Không dám phủ nhận kết luận này. Bởi công bằng mà nói, nếu định mệnh là thứ sức mạnh vô hình đã nâng bước Chelsea, thì may mắn luôn là bạn đồng hành quen thuộc nhất.
Người ta có thể đặt ra hàng chục chữ “Nếu”. Nếu Messi, Robben sút 11m thành công, nếu Gomez không vô duyên đến khó chịu, nếu Napoli có một chút gì đó chất phòng ngự Catanacio huyền thoại… thì Chelsea đã chẳng vô địch. Nhưng với chữ “Nếu”, người ta có thể bỏ cả Paris vào trong một cái chai…
Tại sao không đối diện với những thực tế: Chelsea đã mạnh đúng thời điểm những đối thủ của họ tự suy yếu? Trong trận chung kết, hàng thủ Chelsea cản phá tới 11 cú sút của Bayern, số lần cản phá nhiều nhất trong một trận đấu tại Champions League mùa này. Trước Barca, Chelsea cho thấy tiqui-taca cũng có thể hóa giải. Gặp Napoli, bản lĩnh của The Blues cũng lên tiếng đúng lúc. Nếu không có thứ bản lĩnh ấy, Chelsea thậm chí đã có thể thua thêm sau khi bị Bayern vươn lên dẫn trước. Nếu không có sự tỉnh táo, lỳ lợm, Chelsea làm sao vượt qua nỗi ám ảnh trên chấm luân lưu, làm sao có thể chịu được sức ép kinh khủng của Bayern trong trận chung kết?
4 trận chung kết Champions League tại Munich đều chứng kiến 4 CLB lần đầu tiên vô địch. Lịch sử tạo ra những kịch bản kinh điển mà kẻ thắng, người thua đều chỉ có thể tặc lưỡi: Vì tất cả đều đã là định mệnh…
CON SỐ:
6.Petr Cech đoán đúng hướng 6/6 quả penalty của Bayern, cản phá thành công 2 quả.
10.Đây là lần thứ 10 trong lịch sử trận chung kết Cúp C1/Champions League được phân định bằng loạt sút luân lưu. Một nửa số này đến trong 11 năm qua.
22.Chelsea là nhà vô địch thứ 22 trong lịch sử Cúp C1/Champions League.
34.Bàn thắng phút 88 là pha lập công thứ 34 của Drogba cho Chelsea ở Champions League, và có thể là lần cuối cùng. Hiện anh vẫn là người dẫn đầu ở Chelsea tại hạng mục thống kê này, Lampard xếp thứ 2 với 21 bàn.
50%.Sau trận đấu này, tỷ lệ thắng-bại của mỗi đội tại trận chung kết Cúp C1/Champions League là 50%. Bayern đã 4 lần thua/8 trận chung kết, còn Chelsea có một chức vô địch sau 2 lần dự trận cuối cùng.
Bongdaplus.vn