CHAMPIONS LEAGUE ĐẮT GIÁ THẾ NÀO?
Khi câu hỏi này được đặt ra, lối tư duy phổ biến nhất là tìm kiếm khoản tiền mà các ông lớn thu về. Và kết quả: Chelsea bỏ túi tới 59,9 triệu euro nhờ chức vô địch năm ngoái, còn á quân Bayern Munich cũng thu về 42 triệu euro. Barca dù chỉ vào tới bán kết cũng kiếm chác được 40,6 triệu euro.
Nhưng nếu chỉ những đội bóng tiến sâu mới kiếm được nhiều tiền, thì Champions League có khác gì những giải đấu bình thường? Vậy hãy nhìn vào trường hợp của Man United, đội bóng chia tay Champions League mùa trước ngay từ vòng bảng, nhưng lại kiếm tới 35,1 triệu euro, cao thứ 6.
Với số tiền M.U thu được bất chấp bị loại ngay từ vòng bảng, APOEL Nicosia, chú ngựa ô chạy tận vào tứ kết Champions League mùa trước, có thể sống dư dả trong… 3 năm. Lấy thêm một ví dụ khác: Champions League 2010/11, á quân Man United thậm chí còn kiếm được nhiều hơn so với đội bóng vô địch Barca (53,6 triệu euro, so với 51,3 triệu euro).
Kể ra những câu chuyện trên để thấy, Champions League luôn là một mỏ kim cương vô hạn, và số tài nguyên các đội bóng khai thác được tùy thuộc vào cách bạn làm ăn ra sao.
Dù số tiền thưởng luôn được UEFA công bố trước thời điểm mùa giải bắt đầu, nhưng điều thú vị là Champions League có một nguồn tài nguyên được gọi nôm na là “Quỹ tích lũy”. UEFA tài trợ một số tiền nhất định cho BTC Champions League, và 40% số tiền này sẽ được trích ra để thưởng cho những đội bóng lọt sâu.
Đó là tiền mà các CLB nhận từ UEFA. Bản thân các đội bóng làm ăn giỏi cũng kiếm chác được những khoản tiền khổng lồ nhờ kinh doanh bản quyền truyền hình, từ các nhà tài trợ và lượng vé bán ra. Đó là lý do giải thích tại sao Man United luôn biết cách khai thác rất triệt để nguồn tài nguyên vô hạn Champions League, và cũng giải thích luôn con số đầy bất ngờ mà báo chí Đức vừa công bố: Bayern Munich đã kiếm tới 49,5 triệu euro tại đấu trường số một châu Âu mùa này, tính đến trước thời điểm trận chung kết.
Cũng chính vì vậy, quả thực không thể biết Champions League đắt giá thế nào?
NHỮNG THƯỚC ĐO VÔ GIÁ
Dùng tiền mà các CLB thu về để cân đong đo đếm giá trị của Champions League ít ra còn đưa ra được một câu trả lời tương đối. Nhưng giải đấu được phát sóng trên 70 quốc gia, tường thuật bằng 40 thứ tiếng này còn giá trị hơn gấp bội số tiền nó mang về cho các CLB.
Danh vị, tốc độ tăng giá của đội hình, vị thế thống trị trong làng túc cầu thế giới… đó mới là những giá trị vĩnh cửu mà Champions League mang về cho những khách quen của nó. Real Madrid chính là một trong những ví dụ điển hình.
Nhờ từng vô địch rất nhiều lần trong quá khứ, nên bất chấp đã hơn 10 năm qua Kền kền trắng chưa một lần bay lên đỉnh cao, họ vẫn đường hoàng bước ra thảm cỏ Champions League với tấm bảng hiệu: Một đội bóng lớn, một huyền thoại của giải đấu này.
Người ta thống kê được, Man United phất lên như diều gặp gió sau chức vô địch ly kỳ năm 1999. Kể từ thời điểm đó, lượng tiền Quỷ đỏ kiếm về từ giải đấu danh giá này tăng đều đều theo từng năm (tăng 8% trong 5 năm đầu và hiện tại đã tăng lên tới 22%).
Đó là những chân giá trị mà không có bàn cân nào có thể tính được sức nặng nhẹ. Người ta nói rằng, Man City vĩnh viễn sẽ chỉ là một gã nhà giàu mới nổi nếu họ không biết cách thi đấu sao cho tốt tại Champions League. Không ai dám phủ nhận điều này, vì Champions League chính là món trang sức đẹp nhất mà bất kỳ CLB nào cũng muốn khoác lên người.
Quyền lực Champions League chính là quyền lực thống trị cấp CLB, hay cao hơn, vầng hào quang lấp lánh trên vương miện nhà vô địch chính là tiếng nói đại diện cho cả một nền bóng đá.
Không phải ngẫu nhiên mà bỗng dưng xuất hiện vô số luận điểm cho rằng bóng đá Anh đang trên đà suy thoái. Tất cả các thống kê đều chỉ ra, doanh thu, lợi nhuận của Premiership đều không suy chuyển. Chỉ có một thứ thay đổi: Bộ mặt của các ông lớn Premiership tại Champions League. Họ thất bại, thậm chí là thua vô cùng nhục nhã, và chỉ cần một gợn sóng như thế, người ta đã có thừa lý do để dệt nên một cơn đại hồng thủy hủy diệt bóng đá Anh.