Champions League: Giấc mơ mang mầm ảo tưởng của người Anh
1. Ngày 23/6/2008, trên tờ Guardian xuất hiện một dòng tít cực kỳ khiêu khích và ngạo mạn: “UEFA sợ chúng tôi”. Phóng viên nhật báo này vin vào chuyện UEFA ép các CLB Anh phải nhận khoản lợi nhuận thu về từ Champions League thấp hơn so với các nền bóng đá khác, giật cái tít vừa mỉa mai, vừa tự tâng bốc bản thân.
Tại sao lại có câu chuyện khôi hài này? Câu trả lời: Champions League năm đó (2007/08), cả 4 đại diện Anh (Arsenal, Liverpool, Man United và Chelsea) đều có mặt tại tứ kết. Bán kết rớt 1 (Arsenal), còn 3 và như đã biết, trận chung kết tại Moscow là cuộc chiến nội bộ của Premier League, giữa M.U và Chelsea.
Theo con số mà ông William Gaillard, giám đốc bộ phận truyền thông UEFA cung cấp, 4 đại diện Premier League thu về tới 102 triệu bảng tiền bản quyền truyền hình và các hợp đồng tài trợ (chưa bao gồm tiền vé vào sân và lợi nhuận của từng trận đấu có đại diện Anh góp mặt). Đó là năm mà bóng đá Anh độc tôn về cả danh hiệu, thương hiệu lẫn tiền bạc.
Người Anh tự hào vô cùng. Họ bắt đầu mơ: Premier League trở thành trung tâm của Champions League.
Arsenal (áo đỏ) cần phép màu mới có thể lật ngược thế cờ trước Bayern
2. Champions League 2012/13, một nửa giấc mơ của người Anh trở thành hiện thực, khi thánh đường Wembley vinh dự được đăng cai trận chung kết giải đấu hấp dẫn nhất lục địa già. Đáng tiếc, đó là những giấc mơ mang theo mầm ác mộng.
Ngày 8/12/2012, sau khi loạt trận vòng bảng khép lại, bóng đá Anh bẽ bàng chia tay 2 đại diện ưu tú: Chelsea, nhà ĐKVĐ Champions League và Man City, nhà ĐKVĐ Premier League. Hàng loạt kỷ lục buồn được phơi bày: Lần đầu tiên trong lịch sử mới có một nhà ĐKVĐ bị loại ở vòng bảng; chưa bao giờ trong lịch sử dự Champions League, các CLB Anh kết thúc vòng bảng với 35 bàn thua (kỷ lục cũ là 28 bàn ở mùa 2002/03).
Và hôm nay, khi Man United cũng đã bị loại, Arsenal cần một phép màu mới có thể thay đổi cục diện trước Bayern, người Anh mới bàng hoàng nhận ra: Họ sắp đứng trước viễn cảnh lần đầu tiên sau 17 năm vắng bóng tại tứ kết Champions League.
Vẻ ngoài hào nhoáng của Premier League rơi xuống, để lộ ra những khuôn mặt xấu xí, bạc nhược. Premier League đang bước vào thời kỳ thoái trào tại đấu trường châu Âu.
3. Tại sao một giải đấu từng mơ được trở thành trung tâm của Champions League lại ra nông nỗi này? Câu trả lời rất đơn giản: Premier League đã phát triển quá nóng, nóng tới mức ngay các CLB lớn cũng không tự nhận ra họ đang xa rời xu thế của bóng đá hiện đại.
Premier League tự nhận là hấp dẫn nhất hành tinh, vì bàn thắng có thể đến bất kỳ thời điểm nào, từ bất kỳ CLB nào. Đó lại chính là vấn đề. Khả năng phòng ngự của các đội bóng Premier League đang tồi tệ dần theo thời gian.
Mùa 2007/08, 4 CLB Premier League kết thúc vòng bảng chỉ với 15 bàn thua. Nhưng kể từ thời điểm đó, số bàn thua cứ tăng dần sau mỗi mùa, từ 18, 22, 23, 24 và năm nay chạm kỷ lục 35 bàn.
Không phải vô lý mà trong danh sách những cầu thủ quan trọng nhất của nhóm ông lớn mà cựu danh thủ Arsenal, Martin Keown vừa đưa ra hầu như là các hậu vệ. Một ngôi nhà luôn phải xây chắc phần móng trước khi muốn nó được xây cao hơn so với những ngôi nhà khác. Đó là chân lý mà Chelsea từng ngộ ra ở mùa trước (và họ đã vô địch), nhưng không theo đuổi bền bỉ ở mùa này.
Một giả thuyết được đặt ra: Nếu M.U không phòng thủ quá tệ, thì dù có phải chơi với 10 người, họ cũng không để Real ghi 2 bàn dễ và nhanh đến thế. Arsenal được phép phòng ngự trước Bayern, nhưng họ đắm đuối vào giấc mộng đôi công để rồi thua tan tác 1-3. Những vấn đề của Premier League đơn giản là như thế. Còn họ có nhận ra không, hay vẫn vỗ ngực cho rằng thất bại năm nay chỉ là một tai nạn, thời gian sẽ trả lời.