M.U bị loại: Tiên trách kỷ, hậu trách... Vua
Theo phân tích của cựu trọng tài Graham Poll trên tờ Daily Mail, cái lý của tổ chức điều hành bóng đá châu Âu rất đơn giản. Đó là với kinh nghiệm thổi 12 trận derby Istanbul, Cakir đủ khả năng đương đầu với sức ép của một trận đại chiến. Nhưng UEFA có lẽ đã quên lục lại hồ sơ để thấy rằng trước khi đuổi Nani, trọng tài 36 tuổi này đã có khá nhiều “tì vết” với người Anh với ít nhất là 3 lần đưa ra các quyết định bất lợi cho những đội bóng Anh.
Nhưng bất kể trọng tài người Thổ có định kiến hay không, người Anh vẫn cần nhìn thẳng vào thực tế. Đó là nếu Arsenal (thua Bayern 1-3 trong trận lượt đi) không làm được điều kỳ diệu ở Allianz Arena ngày 14/3, Premier League sẽ lần đầu sạch bóng tại tứ kết Champions League kể từ mùa 1995/96. Nó là cái tát đau đớn với niềm tự hào của xứ Sương mù, khi họ đóng góp tới 8 đại diện trong 8 trận chung kết gần nhất (Man United 3 lần, Chelsea và Liverpool cùng 2 lần, Arsenal 1). Trong đó, riêng mùa 2007/08 là trận chung kết toàn Anh với M.U và Chelsea.
Hiện tại nói rằng khi người Đức đang tiến bộ vượt bậc, Italia cũng bắt đầu khởi sắc còn TBN vẫn rất đáng gờm với Real Madrid và Barca, Premier League đã không còn giữ được vị thế độc tôn ở đấu trường số một châu Âu. Mùa trước, M.U và Man City bị đá văng xuống Europa League sau vòng bảng. Mùa này, Man Xanh thậm chí không giành nổi tấm vé dự giải đấu trường hạng 2 (bét bảng). Và sau chức vô địch kỳ diệu mùa trước, Chelsea đã trở thành nhà ĐKVĐ đầu tiên trong lịch sử dừng chân ngay tại vòng bảng ở mùa kế tiếp.
M.U không thể đổ hết lỗi lên đầu trọng tài Cakir
Nhìn nhận từ một góc độ khác, thất bại của M.U cũng vậy. Có thể, quyết định nặng tay của Cakir đã lái trận đấu ở Old Trafford theo một hướng hoàn toàn khác, nhưng Quỷ đỏ đã không đủ bản lĩnh để đứng vững như... Chelsea từng làm được tại Nou Camp mùa trước. HLV Alex Ferguson đã phản ứng quá chậm, các cầu thủ M.U cũng không đủ tỉnh táo và lì lợm, dù Real đã thi đấu với tâm lý hoang mang suốt một giờ đồng hồ trước đó.
Đây chính là những yếu tố làm nên đẳng cấp của một đội bóng lớn. Và có vẻ như đặt cạnh Real hay trước đó là Barca (thua 2 trận chung kết năm 2009 và 2011), M.U - đội bóng số một nước Anh - vẫn ở dưới một tầm. Điều tương tự cũng hơn một lần xảy ra với ĐTQG xứ Sương mù. Vì vậy, đừng nên đổ mọi tội lỗi cho trọng tài, như cái cách mà báo chí Anh mở cả một chiến dịch công kích Cakir trong những ngày vừa qua.
Án phạt nặng nhất dành cho một trọng tài của FIFA và UEFA là gì và ai bị phạt?
Trả lời: Treo còi vĩnh viễn, trọng tài Oleg Driekhov
Một trong những lần hiếm hoi UEFA buộc phải ra án phạt nặng tay dành cho một trọng tài thuộc quyền quản lý của họ là vụ việc của ông Vua áo đen Oleg Oriekhov. Trọng tài người Ukraine này bị cáo buộc đã nhận hối lộ 50.000 euro để dàn xếp tỷ số trận đấu giữa Basel và CKSA Sofia tháng 11/2009.
Tuy nhiên, rất hiếm trường hợp các trọng tài rút thẻ đỏ vô lý, từ chối bàn thắng hợp lệ hoặc công nhận những pha lập công tưởng tượng bị xử phạt. Ngay cả trọng tài Tom Henning Ovrebo, người đã mắc những sai lầm cực kỳ nghiêm trọng trong trận Chelsea-Barca, cũng không phải chịu bất kỳ án phạt nào, dù báo chí và chính UEFA cũng phải thừa nhận những quyết định đó là quá hà khắc. Các trọng tài có một tấm lá chắn rất hữu hiệu: Cứ luật mà làm.