Lăng Kính: Barca vs Milan cũng là El Clasico
1. Milan-Barca cũng có thể gọi là một trận El Clasico. Không chỉ bởi tên tuổi của họ đã đi vào lịch sử, mà còn bởi AC Milan, trong những ngày đầu tiên của thời đại Silvio Berlusconi, đã học theo mô hình của đội bóng còn lại trong El Clasico: Real Madrid.
Đó là mùa xuân năm 1986. Tỷ phú Silvio Berlusconi đã ra mắt Milan từ bầu trời như một đấng cứu rỗi. Ông bay thật, trên một chiếc trực thăng Agusta 109 đỗ thẳng xuống trung tâm huấn luyện Milanello trong tiếng nhạc giao hưởng của Richard Wagner để ra mắt CĐV.
Sau màn ra mắt đi vào lịch sử Milan ấy, Berlusconi gọi các trợ lý lại và hỏi: “Trung tâm huấn luyện nào tốt nhất châu Âu?”. Họ trả lời: “Ciudad Deportiva của Real Madrid”. Ông gọi cho Fabio Capello, HLV của đội trẻ Milan khi ấy, một người mà Berlusconi rất trọng dụng (vì dạo ấy còn trẻ và biết nghe lời?). Capello được cử sang Madrid để nghiên cứu “thế nào là bóng đá”.
Báo cáo được Capello đem về: Real Madrid đã thành công bởi họ được tổ chức tốt, họ có niềm tin và ý thức rõ ràng về màu cờ sắc áo. Real chính là gạch đầu dòng đầu tiên của Berlusconi trong việc tái thiết CLB bên bờ vực phá sản này.
2. Không quá khó để nhận ra rằng Milan vẫn phảng phất nét gì đó của Real Madrid cho tới tận 2 thập kỷ sau. Họ vẫn đi theo con đường nuôi bóng đá bằng ngôi sao, dùng tiền để kiếm tiền. Đào tạo trẻ chỉ là chuyện thứ yếu ở 2 đội bóng này. Điều quan trọng, là trong đội hình phải có những siêu sao, dù đắt tiền đến mấy.
Milan không được thành công như Real ở mặt kinh doanh. Chỉ kinh doanh thôi, chứ tiền của Berlusconi cũng đã đem về cho ông những thứ ông mong muốn. Danh hiệu và không ngớt danh hiệu. Tên tuổi và lẫy lừng tên tuổi.
Nhưng đó không phải là điểm quan trọng nhất mà báo cáo đầu tiên của Fabio Capello đã chỉ ra. Capello đã nói về “ý thức màu cờ sắc áo”. Và đó là điều giá trị nhất mà Milan đang sở hữu.
Phải ngẫm lại về mô hình xây dựng đội của họ, mới thấy “màu cờ sắc áo” quan trọng như thế nào. Nếu phần lớn cầu thủ Barca, Man United hay Bayern Munich giai đoạn gần đây, lớn lên trong cùng một khu ký túc xá, ăn tập với nhau từ tấm bé, và hiển nhiên có được ý thức ấy, thì ở Real và Milan, cầu thủ đến đây khi họ đã là ngôi sao.
Tạo ra thứ ấy như thế nào là một câu chuyện rất dài. Nhưng hẳn nhiều người nhận ra rằng tại sao Milan lại có thể thắng được trận lượt đi, thứ mà trên nhiều mặt báo được mô tả là “điều kỳ diệu”: họ là Milan, họ hiểu rằng mình là những cầu thủ Milan, họ có chiến ý của Milan.
3. Đây cũng là El Clasico. Bởi có thể AC Milan không phải là đội bóng của quãng đầu thế kỷ nữa, nhưng những cầu thủ của họ, từ kẻ chân ướt chân ráo như Balotelli cho đến những người đã ở đây 18 năm như Ambrosini, đều có chung một ý thức hệ. Balotelli thậm chí đã xuất hiện cùng chiếc áo sọc đỏ-đen từ khi anh là người của… Inter.
Nói như chính những người Milan, Barca vẫn rất nguy hiểm. Phút 89 trong bóng đá chưa phải là hết giờ. Nhưng họ đã làm đủ nhiều để người ta hiểu rằng dù sa sút, Rossoneri vẫn không thể phai màu: rosso là đỏ, neri là đen.
Barca đã thua trong một chuỗi El Clasico gần đây trước Real Madrid. Và họ cần hiểu rằng nhiệm vụ tiếp theo không hề dễ dàng hơn thế. Không chỉ bởi Milan “học” Real, chuyện đó đã cũ rồi. Bởi vì mạnh yếu có lúc khác nhau, nhưng ý thức về màu áo lúc nào cũng có.