Chuyển nhượng Hè 2012: Suy ngẫm ngày "đóng cửa"
Thế nên, vấn đề của “ngày chuyển nhượng cuối cùng” không chỉ là chuyện ai gia nhập đội bóng nào, như những thông tin chuyển nhượng thuần túy trong suốt 3 tháng trước đó. Vẫn biết là Dimitar Berbatov chuyển từ M.U sang Fulham, Charlie Adam từ Liverpool sang Stoke, Maicon từ Inter đến Manchester City, Rafael Van der Vaart từ Tottenham sang Hamburg, Nicklas Bendtner từ Arsenal sang Juventus… Đại loại như thế. Nhưng điều đáng nói hơn trong ngày chuyển nhượng cuối cùng chính là các vấn đề đã bộc lộ mà giới điều hành bóng đá đỉnh cao không còn thời gian để toan tính kỹ ở thời điểm quyết định.
Chẳng hạn, người ta thấy rõ là Liverpool đã “đuối”, quá hụt hơi khi chỉ đủ sức mặc cả 3 triệu bảng cho cầu thủ Clint Dempsey mà HLV Brendan Rodgers muốn có, đành nhìn Dempsey gia nhập Tottenham. Người ta cũng thấy Tottenham của HLV Andre Villas-Boas chưa thể là một đoàn quân ổn định, khi đội này dù có thêm Dempsey và Hugo Lloris, và dù đã chi đến gần 60 triệu bảng, nhưng vẫn ấm ức vì không mua thêm được Joao Moutinho. Sự hối hả pha lẫn nuối tiếc của Villas-Boas không chỉ thể hiện ở chỗ ông không tăng cường được những ngôi sao ưng ý, mà ở cả sự ra đi cũng hơi bất ngờ của Rafael Van der Vaart, khi ngôi sao này trở lại Bundesliga khoác áo đội bóng cũ Hamburg.
Ngược lại, sự thanh thản của Chelsea, M.U hoặc sức mạnh về tài chính của Manchester City cũng là những vấn đề đã được thể hiện quá rõ, qua thái độ hoặc hành động của các đội này ở thời điểm kết thúc mùa chuyển nhượng. Bỗng nhiên, Manchester City tăng cường Garcia, Scott Sinclair và Maicon đúng trong thời điểm mà ai cũng nghĩ là HLV Roberto Mancini chẳng cần có thêm người mới. Không cần là một chuyện, vẫn cứ mua thêm lại là chuyện khác. Và từ những chuyện như thế, giới quan sát lại hiểu thêm về đặc điểm của từng đội bóng, có thể kết nối với nhận định chuyên môn về những đội ấy trong suốt 8-9 tháng còn lại của cả mùa bóng.
Người ta thậm chí còn hình dung một cách rõ hơn về bản chất của các nền bóng đá, các giải đấu lớn ở châu Âu, thông qua những gì thể hiện ở “phút 90” của mùa chuyển nhượng, cũng chẳng khác mấy so với “phút 90” trong những trận đấu đỉnh cao. Ngày cuối cùng của mùa chuyển nhượng rõ ràng là đã phảng phất sự yên ắng và xuống cấp (ít ra là một mức độ nào đó) của Serie A, nơi Juventus tiếp tục thể hiện rằng họ nhỉnh hơn các đối thủ chính. Đấy cũng là ngày nói lên đặc điểm luôn có cao trào, kịch tính vào giờ chót của Premiership hoặc sự ổn định, máy móc đến mức nhàm chán của Bundesliga.
Tất nhiên, tiền bạc không phải là tất cả. Hay nói cách khác, đã có không ít trường hợp tiêu biểu cho thấy người ta không dễ chi tiền mua sắm lực lượng để đi đến thành công trong bóng đá đỉnh cao. Nhưng với những ai “biết tiêu tiền” thì sức mạnh tài chính là rất quan trọng. Ở đây, chúng ta đang nói về những vấn đề bộc lộ từ cách chi tiêu trong bóng đá đỉnh cao, vào đúng thời điểm quan trọng nhất của mùa chuyển nhượng. Ngày 31/8 vẫn luôn là một cột mốc quan trọng mở ra cho giới quan sát và người hâm mộ những cái nhìn khác nhau, về các đội bóng khác nhau mà họ quan tâm?