Chuyển nhượng: Những chuyện lạ nhất nơi hậu trường
1.Bề ngoài, ai cũng nghĩ những vụ chuyển nhượng đơn thuần phục vụ chuyên môn, tăng cường sức mạnh cho đội bóng. Nhưng thực tế, nó ẩn chứa cả những cuộc chiến mà chẳng mấy khi được đưa lên mặt báo. Chỉ khi mọi chuyện kết thúc hoặc những mối quan hệ rạn nứt, lộ ra những khe hở thì bí mật mới bị phanh phui. Và đó là cả một thế giới muôn hình vạn trạng, tương thích với một quá trình lịch sử, xã hội tồn tại lúc đó.
Chuyển nhượng có từ cả trăm năm trước, nhưng thị trường mua bán cầu thủ chỉ thực sự trở thành điểm nóng từ thập kỷ 50 của thế kỷ trước, với điểm nhấn quan trọng nhất trong mọi cuốn sách bóng đá là vụ Alferdo di Stefano. Thời gian đó, Barcelona đoạt 4 chức VĐQG, 3 Copa del Generalisimo và 2 Cúp Latina, nhưng cũng không thể giúp đội bóng xứ Catalan tiến ra đấu trường châu Âu. Bởi vào năm 1955, họ bắt đầu bị vùi dập bởi Real Madrid, thế lực thực sự của Tây Ban Nha và của cả châu Âu với mối quan hệ mật thiết giữa Chủ tịch Bernabeu và đế chế Franco. Real Madrid được hưởng đặc quyền nhập khẩu xe hơi từ nước ngoài cho các cầu thủ, được cất giữ một ngoại tệ. Bên cạnh đó còn một thứ quyền lực khác, đó là quyền lực chuyển nhượng…
2.Di Stefano xuất hiện làm thay đổi vị thế của Barca. Năm 1953, cả Barcelona và Real Madrid cùng nhảy vào cuộc đua giành sự phục vụ của Di Stefano. Họ cùng tuyên bố quyền sở hữu Di Stefano khi khẳng định đã có hợp đồng. Cuộc tranh giành quyết liệt đến mức, đại diện FIFA phải vào cuộc phân tranh. Munoz Calero, một giáo sư, tiến sĩ y khoa, nhân vật đình đám và nổi tiếng trong lịch sử bóng đá Tây Ban Nha, một cựu chiến binh tham gia Thế chiến 2 trong chính phủ Franco, được cử đến giải quyết như đại diện của FIFA.
Munoz Caleron đã đưa ra quyết định rằng Barcelona và Real Madrid sẽ chia quyền sở hữu Di Stefano. Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau khi đưa ra phán quyết, sau cuộc gặp với Franco, Munoz Caleron tuyên bố Di Stefano sẽ thuộc quyền sở hữu của Real Madrid. Lý do được đưa ra vô cùng kỳ lạ: Barcelona tự nguyện xin rút khỏi cuộc đua. Phán quyết ấy làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt của Real Madrid, dẫn họ đi vào một kỷ nguyên thành công rực rỡ, bao trùm quyền lực lên nền bóng đá Tây Ban Nha và cả châu Âu. Và chính vinh quang của Real Madrid có được cùng Di Stefano là bệ phóng cho quyền lực và chế độ của Franco.
Không mang màu sắc chính trị như vụ Di Stefano, thương vụ chuyển nhượng có thể coi là nhỏ của Niko Kranjcar năm 2005, từ Dinamo Zagreb đến đội bóng đại kình địch Hajduk Split (với giá chỉ 1,5 triệu bảng), cũng làm thay đổi hình ảnh chuyển nhượng. Khi đó, đại diện của Kranjcar là ông Dino Pokrovac bị bắn chết ngay trước cửa nhà vì được coi là người khởi xướng vụ này.
Điểm nhấn thứ hai cực kỳ quan trọng trong lịch sử chuyển nhượng chính là vụ Bosman năm 1990, người chấp nhận hy sinh sự nghiệp để chống lại cả châu Âu khi thắng trong phiên tòa đòi “công lý” cho cầu thủ, những người bị trói buộc ngay khi hợp đồng kết thúc, mở ra trang sử mới cho bóng đá thế giới.
Đến đây, chuyển nhượng không chỉ đơn thuần là chuyên môn, mà còn lại chiêu bài của cuộc chiến kinh tế, của sự tự hào trong đời sống một bộ phận CĐV và là tầm ảnh hưởng vượt ra ngoài biên giới bóng đá.
3.Nói vậy, nhưng chuyển nhượng không chỉ có những bi kịch mà còn có cả những hài kịch. Như vụ Kenneth Kristensen (từ Vindbjart đến Floey năm 2002 với phí chuyển nhượng là số tôm tươi đúng bằng trọng lượng cơ thể, danh thủ nổi tiếng Tony Cascarino từ Crokenhill đến Gillingham năm 1982 được trả bằng… sắt vụn (thực ra là thiết bị y tế cũ). Zat Knight từ Rushall Olympic đến Fulham năm 1999 với giá 30 bộ đồng phục thi đấu. Huyền thoại Ernie Blenkinsop từ Cudworth đến Hull City năm 1921 với giá là 200 bảng và 50 lít bia. Huyền thoại John Barnes từ Sudbury Court đến Watford năm 1981 chỉ với một bộ quần áo…
Bóng đá phản ánh cuộc sống, và chuyển nhượng phản ánh thực trạng kinh tế, xã hội. Nhưng thời gian càng trôi đi, chuyển nhượng đã dần trở thành những chiêu bài, những mưu đồ tài chính với mục đích cuối cùng, biến bóng đá thành mặt trận của chiến trường kinh tế!