
Thập niên 1980-1990, những cuộc đối đầu giữa 2 đội Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế luôn nóng bỏng. Dù cùng ở “khúc ruột miền Trung” và chỉ cách nhau ngọn đèo Hải Vân, nhưng cả hai lại chẳng ưa nhau, nên mỗi lần họ giáp mặt luôn là cuộc chiến nóng bỏng cả dưới sân lẫn trên khán đài. Kết quả sau mỗi trận đấu là cầu thủ và CĐV của đội khách luôn được xe của lực lượng cảnh sát hộ tống về đến tận đỉnh đèo Hải Vân. Lạ một điều là cả hai đội bóng và CĐV của họ lại rất thích như thế. Hỏi tại sao? Một cựu cầu thủ Đà Nẵng hỏi ngược lại người viết một câu xanh rờn: “Mi có công nhận là những trò chơi cảm giác mạnh luôn khiến người ta khoái không? Bóng đá cũng vậy, miễn nó đừng vượt quá khuôn khổ thôi…”. Lời lý giải khiến người viết phải phì cười, nhưng ngẫm cũng có lý, vậy nên chẳng ngạc nhiên khi đến tận bây giờ, những người yêu bóng đá ở Đà Nẵng, đặc biệt là Huế, thỉnh thoảng lại ước ao “bao giờ cho đến ngày xưa”, để họ được sướng với cái “cảm giác mạnh” thuở nào.
Trong khi đó, những trận đấu ở khu vực miền Nam, đặc biệt là các đội bóng Sài Gòn, cũng “căng” chẳng kém. Nhiều người sẽ ngạc nhiên vì tại sao cùng thành phố mà những cuộc đối đầu lại luôn tóe lửa? Cũng chẳng khó để giải thích, bởi ngoài chuyện “đấu” nhau vì màu cờ sắc áo, ở đấy còn là cuộc chiến để giành tình yêu của khán giả, và cuối cùng là giành sự quan tâm của ngành thể thao cho đội nhà nhiều hơn đối thủ.
Còn nhớ trận chung kết giải bóng đá Cửu Long năm 1976 giữa Cảng Sài Gòn - Hải Quan khiến khán đài sân Thống Nhất không còn một chỗ trống. Trận đấu diễn ra rất hấp dẫn, căng thẳng và kết thúc bằng màn… ẩu đả của cầu thủ hai đội. Kết quả, 2 cầu thủ Nguyễn Văn Trung (CSG) và Đỗ Thới Vinh (Hải Quan) bị kỷ luật treo giò một thời gian dài.
Đó là chuyện ngày xưa, còn hiện nay bóng đá đã chuyên nghiệp khi xuất hiện những ông bầu. Tuy nhiên, cuộc ganh đua giữa các đội xem ra còn nhiều hơn, dù mức độ không đến nỗi quá căng thẳng. Nói đâu xa, cứ nhìn cuộc đối đầu trên sân Thống Nhất giữa Sài Gòn FC và CLB Hà Nội ở vòng 9 vừa qua sẽ thấy. Kết quả, các cầu thủ SG.FC đã khiến ông chủ của họ cười phớ lớ trên khán đài với màn trình diễn không thể ấn tượng hơn, khiến đối thủ phải tâm phục, khẩu phục. Và dù không công bố chính thức, nhưng có thông tin là sau trận ấy, các cầu thủ SG.FC có một số tiền thưởng đáng kể.
“Con gà tức nhau tiếng gáy” thời nào chả có, và nếu không có nó, bóng đá có lẽ sẽ mất đi phần thú vị!
XEM THÊM
Bongdaplus.vn