
Ngoài việc đầu tư không hạn định nhằm nâng cấp đội hình, theo đuổi tham vọng lớn, những phát ngôn gây sốc, cách hành xử rất “dị” của các đại gia cũng khiến V-League thêm nhiều gia vị.
NHÌN BẦU MÀ ĐÁ
Chuyện kể rằng, thời B.BD và ĐT.LA vẫn còn ở đỉnh cao, những cuộc so tài giữa họ luôn căng như dây đàn. Dù là đầu hay cuối giải, thậm chí cả trong những trận đấu giao hữu không ảnh hưởng đến thứ hạng, nhưng các trận đấu giữa họ vẫn rất căng thẳng. Bầu Hai Hùng của B.BD ra lệnh cho thuộc cấp: “Thua ai thì thua, không được thua ĐT.LA”. Và đương nhiên, ĐT.LA với tư cách một thế lực tiềm tàng cùng với một HLV Calisto lão luyện cũng chẳng ưa gì B.BD. Bằng mọi giá, ĐT.LA phải thắng, hoặc chí ít là khiến B.BD phải mất vui.

Tương tự, là cặp đấu giữa ĐT.LA và HA.GL. Bây giờ, bầu Thắng và bầu Đức là bằng hữu vô cùng thân thiết. ĐT.LA của bầu Thắng đã rơi xuống hạng Nhất và chưa hẹn ngày trở lại. Thế nhưng, việc hai ông bầu xích lại gần nhau không thể khiến người ta quên quá khứ họ là đại kình địch. Những trận đấu giữa HA.GL và ĐT.LA được gọi là trận chung kết của cả mùa giải; là ngày hội của trường phái bóng đá cống hiến; là nơi quyết định cục diện của cuộc đua đến ngôi vô địch.
ĐẾN SÂN XEM BẦU
Có một thực tế là V-League đang trong giai đoạn mà các đội bóng xây dựng thương hiệu. Những cái tên đầy sức nặng trên cầu trường và là chủ thể của trận cầu nóng bỏng trong quá khứ đã kết thúc sứ mệnh lịch sử của mình. Nhưng nói thế không có nghĩa là V-League mất dần sức hấp dẫn. Bây giờ, sức nóng của sân chơi quốc nội được quyết định bởi nhiệt huyết và sự tự ái của các ông bầu.

Bằng chứng cho những nhận định trên là cuộc chạy đua giữa bầu Hiển và bầu Kiên thời gian gần đây. Có người ví màn so kè giữa ông Hiển và ông Kiên là “cuộc chiến” giữa nước với lửa. Dù rằng, ông Hiển tuyên bố không coi ông Kiên là đối thủ, cũng chẳng thừa nhận mình đang ở trong một cuộc với chiến đại gia cùng trang lứa, nhưng dư luận vẫn bị lôi cuốn bởi những ứng xử dù là nhỏ nhất của hai doanh nhân kể trên cũng như đội bóng của họ. Thế mới có chuyện, con phố Trịnh Hoài Đức lâu nay vốn vắng vẻ giờ trở nên đông đúc khác thường khi HN.T&T thi đấu với CLB Hà Nội. Người ta đến sân vì tò mò muốn biết sau những phát ngôn chấn động, đội bóng của bầu Kiên sẽ thể hiện một diện mạo như thế nào? Người ta cũng muốn biết bầu Hiển sẽ thể hiện đẳng cấp ra sao trước gã hàng xóm mới nổi. Và quan trọng hơn hết, người ta muốn xem bầu Hiển, bầu Kiên sẽ thể hiện sắc diện như thế nào khi đối mặt nhau. Thì đấy, dưới sân, các cầu thủ HN.T&T và CLB Hà Nội có một trận cầu thừa lửa, còn trên khán đài, ông chủ của họ dù lão luyện trên thương trường nhưng vẫn không thể giấu được cảm xúc của mình.
Cuộc chiến giữa bầu Kiên và bầu Hiển sẽ còn kéo dài và sắp tới, người ta sẽ dồn sự chú tâm vào chuyến hành hương về quê bầu Thụy của SG.FC. Quê ở Ninh Bình nhưng ông Thụy lại gây dựng sự nghiệp bóng đá ở Hà Tĩnh và sau đó mang vào TP.HCM. Cuối tuần này, SG.FC của ông Thụy sẽ về Ninh Bình để so tài cao thấp với V.NB. Chẳng lạ gì ông Thụy, nhưng cách mà SG.FC rình rang về Ninh Bình có thể khiến bầu Trường vốn cá tính cảm thấy nóng mắt. Cuối cùng, điều mà ai cũng tin là trận cầu giữa V.NB và SG.FC sẽ tóe lửa, bởi đó là cách để các ông bầu chứng tỏ bản lĩnh.
Trên phương diện nào đó, V-League sẽ nóng bỏng, sống động và đáng xem hơn khi các đội bóng có những ông bầu thích thể hiện đẳng cấp trước “quần hùng”.
CHỜ ĐƯỢC VẠ THÌ MÁ ĐÃ SƯNG
Giai đoạn 1 mùa giải 2005, B.BD của HLV Vương Tiến Dũng thể hiện phong độ vô cùng ấn tượng, bỏ xa đội xếp thứ 2 trên bảng BXH. Thế nhưng, HLV nổi tiếng thật thà này đã mắc một sai lầm nghiêm trọng khi tâm sự với một phóng viên rằng: “Tôi muốn thắng tất cả các trận ở lượt về”. Sau tuyên bố này, dư luận nổi sóng và rất nhiều đại gia cảm thấy tự ái. B.BD lập tức bị “quây”, họ thua liểng xiểng và mất chức vô địch vào tay ĐT.LA. Tuy nhiên, sau này ông Dũng giải thích rằng mình không có ý coi thường các đối thủ mà chỉ muốn B.BD giành ngôi vô địch. Chỉ có điều, trước khi dư luận hiểu ông Dũng thì nhà cầm quân này đã phải ra đi.
CON SỐ & SỰ KIỆN
Sự so kè giữa các ông bầu luôn có lợi cho đội bóng. Các CLB không chỉ được đầu tư cầu thủ chất lượng, được đãi ngộ tốt mà còn tạo nên một sức hấp dẫn với NHM. Họ tới sân bởi tò mò, xem “cuộc chiến” trên sân cỏ giữa các ông bầu sẽ ra sao. Điển hình như cuộc chạy đua ngầm giữa bầu Hiển và bầu Kiên luôn là tâm điểm của NHM thủ đô. Theo thống kê, số lượng khán giả đến xem các trận đối đầu của hai ông bầu này tăng lên trông thấy. Nếu lấy cột mốc là mùa giải năm ngoái, số CĐV tới sân Hàng Đẫy để thưởng thức các trận đấu giữa HN.T&T, SHB.ĐN với CLB Hà Nội (năm ngoái là Hà Nội ACB) thực sự nhảy vọt.
Mùa 2011
- Trận HN.ACB – SHB.ĐN: 700 người
- Hà Nội ACB – Hà Nội T&T: 1000 người
Mùa 2012
- CLB Hà Nội – HN.T&T: 7000 người
- CLB Hà Nội – SHB.ĐN: 10.000 người
XEM THÊM
Bongdaplus.vn