“Thay thằng Sơn (Nguyễn Trung Sơn-PV) ra đi, nó có biết đá banh đâu”. “Đá vậy hả mày”…, không riêng gì Trung Sơn mà đó gần như là phản ứng có điều kiện từ một góc khán đài A sân Bình Dương mỗi khi cầu thủ chủ nhà mắc sai sót trong trận đấu với HN.T&T cuối tuần vừa qua. Và tất nhiên trước mỗi câu “trách mắng” đó luôn đi kèm những lời lẽ tục tĩu. Tần suất của những thanh âm hỗn tạp này xuất hiện ngày một lớn dần đều khi chủ nhà thể hiện màn trình diễn nghèo nàn.
Hiện tượng này tuy chỉ xuất hiện ở một nhóm khán giả, nhưng lại gần như không thể thiếu mỗi khi B.BD thi đấu trên sân nhà. Không ít CĐV ngồi ở khán đài A, có cả lãnh đạo của bóng đá Bình Dương cũng cảm thấy ái ngại về điều này, và phóng viên tác nghiệp ở sân hôm đó nhói tai vì sự quá khích vừa kể nên đã góp ý với nhóm CĐV đó. Ngay lập tức, họ bị phản ứng bằng những lời lẽ ra điều thách thức và cạnh khoé. Lập tức, lực lượng an ninh lập tức phải có mặt ở khu vực này để can thiệp. Nếu không, chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra.
Nếu BTC sân Bình Dương bán vé thì sẽ không có nhiều CĐV tới sân như lúc mở cửa tự do. Ảnh: V.V
Sân Bình Dương vốn mang tiếng yên ắng và hòa nhã lâu nay thì thời gian qua nảy sinh cái vấn nạn khó chấp nhận này. Từ đầu mùa giải 2012, có lẽ lường trước hình ảnh đáng xấu hổ này, BTC sân đã quyết định bán vé để tìm nguồn thu, và hơn hết là để hạn chế những nhóm người quá khích, coi việc xem bóng đá là phụ còn cái chính là để giết thời gian và chửi bới nhằm xả stress. Và thực sự, biện pháp đó đã thu được hiệu quả khi sân bóng vắng hẳn người và vắng luôn những thanh âm thiếu văn hóa đó. Nhưng chỉ được vài hôm, cái lệnh mở cửa tự do lại được ban ra để hạn chế tình trạng “vắng như chùa Bà Đanh” ở nhiều trận đấu. Và đó là cơ hội không thể tốt hơn cho nhóm CĐV quá khích này trở lại bản chất vốn có.
Nhóm CĐV này đến sân từ rất sớm để chọn chỗ đẹp, tức là vị trí ngay khán đài A bên phải khu vực dành cho báo chí. Họ tranh thủ bình luận từ lúc trước, trong, giữa và sau trận đấu. Khác với những CĐV trung thành luôn động viên đội nhà thì mỗi khi cầu thủ chủ nhà sai sót, họ được dịp la ó đồng thanh. Khi đội nhà bị dẫn bàn, họ còn vỗ tay để chia vui cùng đội khách. Trên sân là cầu thủ chịu trận. Còn khi hết giờ, đến lượt HLV và cầu thủ phải chịu trận. Ông Cho Yoon Hwan mới chân ướt chân ráo đến VN có lẽ cũng chưa hiểu lời kêu gọi ông từ chức, nhưng tổ trọng tài người Việt điều khiến trận đấu này cũng khó hiểu vì sao mình bị CĐV chửi “lên đây mà lấy tiền” vì họ bắt trận này không tệ.
Những hình ảnh không đẹp đó giờ như điều bình thường trên khán đài sân Bình Dương, nhưng không hiểu sao nó vẫn lặp đi lặp lại như… hệ thống. Tâm sự với vài trụ cột B.BD về vấn đề này, họ không khỏi cám cảnh: “Đành rằng mọi người có quyền tự do ngôn luận. Khán giả trên sân có quyền phán xét chúng tôi, nhưng khi đá bóng, ai mà không mắc sai sót. Nhưng mỗi lần như vậy, chúng tôi lại phải nhận lời lẽ rất khó nghe. Đá thì mệt lại nghe chửi, vừa buồn vừa ức chế, không thể tập trung đá tốt được. CĐV là một phần quan trọng của đội bóng, lúc này đội cần những lời động viên hơn là những lời lẽ thiếu xây dựng”.
Ngẫm mà đau cho một trong những tượng đài của bóng đá VN, nó đang xuống cấp nghiêm trọng từ trên khán đài xuống sân cỏ.
Quốc Minh
Thethaovanhoa.vn