So với các đời HLV tiền nhiệm, HLV Goetz có rất nhiều cách làm khác lạ như yêu cầu cầu thủ tập nhẹ vào buổi sáng cùng ngày thi đấu, hoặc cho cầu thủ tập tạ khi đang diễn ra giải, nhưng như người ta vẫn nói: “Đường dài mới biết ngựa hay”, có lẽ giờ chưa phải là lúc phán xét xem phương pháp huấn luyện của HLV Goetz có hiệu quả hay không.
Nếu bóng đá chỉ đơn thuần là thành tích thì rõ ràng có thể coi U23 VN dưới quyền HLV Goetz đang đi đúng hướng, khi chúng ta đã sớm đoạt vé dự bán kết trước một vòng đấu và đang đứng trước cơ hội kết thúc vòng bảng ở vị trí số một bảng B.
HLV Goetz. Ảnh: Quốc Khánh
Ông Goetz là một HLV chuyên nghiệp và hơn bất cứ ai hết, ông Goetz ý thức được rằng thành tích của U23 VN ở SEA Games 26 có ý nghĩa quan trọng như thế nào với ông, bởi đây là giải đấu chính thức đầu tiên của ông kể từ ngày ký hợp đồng với VFF. Bởi thế, việc HLV Goetz muốn áp dụng tất cả những ngón nghề mà mình biết để giúp U23 VN có được kết quả tốt nhất cũng là chuyện bình thường.
Cách đây 3 năm, trước khi ĐTVN của HLV Calisto giành chức vô địch AFF Suzuki Cup 2008, đã có không ít người dè bỉu phương pháp huấn luyện “collective training” (chia đôi đội hình thi đấu đối kháng hàng ngày) của ông thầy người Bồ Đào Nha vì cho rằng nó quá nhàm chán và đơn điệu, nhưng sau khi ĐTVN đăng quang thì những lời chỉ trích này đã hoàn toàn biến mất và thậm chí “collective training” còn được ca ngợi hết lời. Hãy tưởng tượng nếu U23 VN đoạt chức vô địch SEA Games 26, hoặc chí ít là lọt vào trận chung kết, thì không ai dám chắc sự chỉ trích đã và đang nhằm vào HLV Goetz về phương pháp huấn luyện của ông thầy này có đột ngột trở thành sự tán tụng tôn vinh hay không?! Cần nhớ rằng giữa bóng đá Đức và bóng đá VN là một trời cách biệt, nên sẽ là không thực sự thích hợp nếu như chúng ta vội vã đưa ra đánh giá tiêu cực về năng lực của một ông thầy đến từ trung tâm của bóng đá thế giới như HLV Goetz chỉ sau chưa đầy nửa năm mà ông cầm quân.
Nếu U23 VN không vô địch SEA Games 26, hoặc thậm chí là không có huy chương tại SEA Games 26 thì điều đó cũng không có nghĩa năng lực chuyên môn của HLV Goetz không xứng đáng được xem trọng và ngược lại, bởi để đạt được thành công trong bóng đá còn phải phụ thuộc vào cơ duyên và thời vận chứ không thể gò vào khuôn mẫu theo kiểu “mạnh được yếu thua”.
Ai cũng thấy HLV Calisto đã được tán tụng như một nhà cầm quân kỳ tài ở AFF Suzuki Cup 2008, nhưng ở 2 năm liên tiếp sau đó tại trận chung kết SEA Games 25 năm 2009 và AFF Suzuki Cup 2010, ông thầy người Bồ Đào Nha chẳng khác nào một vị phù thủy đã đánh mất chiếc đũa pháp thuật của mình. Thế nên, hãy cứ dành thêm nhiều thời gian và sự kiên nhẫn cho HLV Goetz và các học trò.
Thethaovanhoa.vn