
Hành trình trên cao nguyên đá
Ngoài Nguyễn Văn Mạnh thì 2 đồng đội Hồ Sỹ Sâm và Đặng Văn Lâm cũng là những con chiên ngoan đạo. Họ đều mang trong mình cảm giác bồi hồi khi lần đầu trong đời được đặt chân đến Bethlehem; nơi mà họ chỉ mới được đọc trong những cuốn Kinh Thánh, nghe các Đức cha giảng trong những buổi nguyện cầu, hoặc được xem đâu đó trên sách báo, truyền hình…
Trên chuyến xe chở chúng tôi từ Ramallah đến Bethlehem, Mạnh ngồi gần tôi, miệng nói liên hồi về Chúa, rồi kể về con đường đạo hạnh của anh. Mạnh còn giảng cho tôi nghe những đoạn trong Kinh thánh và phân biệt thế nào là kinh Cựu ước và Tân ước. Mạnh nói về Bethlehem như thể anh từng đặt chân đến nơi này. Thú thật, nếu chàng trai người Diễn Châu (Nghệ An) này nói với tôi anh đã đến Bethlehem rồi, tôi cũng chỉ biết tin sái cổ.

Chiếc xe tiếp tục lăn bánh, lúc này chúng tôi đã ở trên địa giới Jerusalem. Bác tài ra hiệu cả đoàn phải đổi xe. Một chiếc Huyndai 45 chỗ đời mới đã mở cửa sẵn đón đoàn. Xe tiếp lục lăn bánh. Trên từng cây số, chúng tôi lại thấy những trạm gác với những người lính lực lưỡng luôn kè kè khẩu súng trên tay.
Càng đến gần Bethlehem, con đường lại càng cheo leo và khúc khuỷu. Nóuốn lượn như những con rồng, đâm qua các vách núi đá dựng đứng. Nếu báctài không phải là một tay lái lụa và những hành khách không đủ dũng khíthì cuộc hành trình về vùng đất Thánh chắc sẽ chẳng thể thành công.

Nhưng chúng tôi không cô đơn trên chặng đường nhiều “cua tay áo” ấy, bởi ngoái nhìn phía sau là cả một đoàn xe hơi rồng rắn nối đuôi nhau. Bạn cũng không thể tin nổi trên cái cao nguyên tưởng chừng như cằn cỗi, không một bóng cây, giọt nước ấy, lại có những ngôi nhà sững sững. Tôi hỏi Maman, người dẫn đoàn: “Sao kỳ diệu vậy?”. Anh nở nụ cười bí ẩn: “Vì đó là Palestine”. Càng đặc biệt vì theo Maman vui tính, đó đều là những ngôi nhà được xây bằng đá tự nhiên.
Về đất chúa giáng sinh
Chiếc xe oằn mình đưa chúng tôi lên cao nguyên đá, phải mất gần 2 tiếng thì đoàn mới đặt chân đến Bethlehem. Tôi nhìn sang Văn Mạnh, khuôn mặt anh đổi thay một cách lạ kỳ. Sỹ Sâm và Văn Lâm cũng thế. Đứng trên quảng trường Máng Cỏ (Manger Square) nhìn sang nhà thờ Giáng Sinh, Sâm chắp tay nguyện cầu một điều gì đó. Còn Lâm và Mạnh cất những bước chân vội vã vào hang Belem. Chúng tôi lấy làm hãnh diện vì những nhân viên bảo vệ ở đây nhận ra chiếc áo có in hình lá cờ tổ quốc mà lãnh đội cũng như các cầu thủ khoác trên mình.

Hai tiếng “Việt Nam” được cất lên, kể từ đó, dường như những vị khách đến từ dải đất hình chữ S có phần được ưu ái. Cứ thế đoàn đi vào điện chính, nơi có rất nhiều tín đồ ngồi đọc kinh cầu, và quan trọng nhất là hang Belem. Chúng tôi là người ngoại đạo cũng cảm thấy sự thiêng liêng khi được tay lên ngôi sao bằng bạc, nơi Chúa Jesus đã giáng trần; thì có lẽ với Sâm, Lâm và Mạnh chẳng thể tả nổi cảm xúc của họ lúc ấy.
Rời nhà thờ Giáng Sinh và quảng trường Máng Cỏ, chúng tôi tiếp tục hành trình khám phá qua những con phố cổ đã tồn tại hàng ngàn năm ở Bethlehem. Những con dốc khiến khách bộ hành cảm thấy mệt lắm đôi chân nhưng họ vẫn không thể dừng lại bởi phía trước là những bí ẩn chưa được khám phá. Các cửa hàng thủ công mỹ nghệ, đồ mỹ kim vốn nổi tiếng của Bethlehem bắt đầu hiện ra trước mắt. Và không thiếu những hình ảnh đời thường, các cụ bà trong trang phục truyền thống mời chào những loại rau hay trái cây đặc sản của vùng…
Dường như chúng tôi chẳng có thời gian để mua cho mình một món hàng ưng ý bởi chỉ tính thời gian đi bộ cũng đã không kịp rời con phố này. Sau buổi trưa, chúng tôi tiếp tục đi tham quan những địa danh nổi tiếng khác. Một trong số đó là 3 chiếc hồ lớn của nhà tiên tri Suleiman đã xây dựng cách đây 5.000 năm. Uống những ngụm nước trong mát chảy từ hồ, ngoái nhìn lại đã 16h30 (giờ địa phương), mất thêm gần 1 tiếng rưỡi trở về khách sạn nữa. Một chuyến đi mệt nhoài, nhưng có lẽ không chỉ Sâm, Mạnh và Lâm mà chúng tôi, những người ngoại đạo, cũng thấy đó là những vinh hạnh lớn lao.
Bethlehem nằm cách Jerusalem khoảng 10 km, trên độ cao 765m so với mặt biển. Bethlehem trong tiếng Do Thái cổ “bêth lehem” có nghĩa là “nhà bánh mỳ”, còn trong tiếng A-rập, tên này được phát âm là “bêt lahm” có nghĩa là “nhà thịt”. Địa danh Bethlehem đã được nhắc tới trong Kinh Cựu ước nhưng vào thời kỳ đó, thị trấn ấy không có vị trí quan trọng trong đời sống của cộng đồng các tộc người ở mảnh đất này. Sau này, Bethlehem trở thành địa danh nổi tiếng bậc nhất thế giới bởi chính tại đây, Chúa Jesus đã giáng sinh.
Bongdaplus.vn