Với giới quần đùi áo số, quanh năm thi đấu xa nhà, Tết là dịp hiếm hoi để họ trở về quây quần bên gia đình, người thân. Thế nên, nhiều cầu thủ rất chịu chơi, bỏ ra rất nhiều tiền để mời cả gia đình đi du lịch đây đó. Thậm chí, một số còn đặt tour đi nước ngoài để… đổi gió.
Nhưng năm nay, khi được hỏi “Tết có du Xuân ở đâu không?”, phần lớn các cầu thủ đều trả lời năm nay chỉ loanh quanh ở nhà, rồi trở lại CLB tập luyện. Nguyên do, như ai cũng nói, quỹ thời gian nghỉ Tết quá hạn hẹp. Song còn một lí do khác, bây giờ, các cầu thủ đã biết rụt tay khi sờ vào túi của mình.
Với các CLB, điều đó vô tình lại hay. Hay vì trái bóng Cúp QG và sau đó là Super League sẽ lăn rất sớm, họ không muốn phải nhìn thấy các cầu thủ của mình “dư mỡ thừa cân” sau Tết. Thậm chí, một số đội bóng được coi là đại gia như B.BD, hay N.SG… còn cầu mong không có Tết. Vì đơn giản, thành tích của họ là chưa như ý.
Dĩ nhiên, cầu thủ bây giờ cũng có những con tính cho riêng mình. Trong thời buổi khó khăn, rất nhiều người nhẩm rằng, nếu cứ đến tháng cầm giấy lên nhận tiền lương thì không ăn thua. Muốn tăng thêm thu nhập, phải có tiền thưởng, mà muốn có tiền thưởng thì phải đá thắng, thế nên ai cũng ý thức được việc phải chi tiêu cân đối.
Xuân đang gõ cửa từng nhà, giới cầu thủ đã trở về với gia đình, và những buổi tiệc tất niên cũng đã bắt đầu. Tuy nhiên năm nay, không khí Tết xem ra đang lắng xuống. Bức tranh về cầu thủ Việt Nam ăn Tết càng giúp cho chúng ta hiểu rằng bóng đá là một môn thể thao xã hội hóa. Nó có những đặc điểm chung, nhưng cũng rất riêng biệt. Nó cũng là một phần tạo nên sự hấp dẫn cho "môn thể thao vua".
Bongdaplus.vn