Đoạn kết buồn
HLV Nguyễn Đình Hưng cuối cùng cũng chấp nhận thất bại và rời khỏi mảnh đất vốn không chào đón mình. Thế nhưng, cách ông Hưng nói về đội bóng cũ khiến cho ngày chia tay trở nên căng thẳng không cần thiết.
Quân thua thì trảm tướng, đó là lẽ thường. Ông Hưng cũng ý thức được mình cần phải ra đi trước khi các ông chủ phải sử dụng đến “đại đao”. Có nghĩa là vị HLV người Khánh Hòa này giành lấy cho mình quyền chủ động. Rằng, ông rất tự trọng nghề nghiệp, dù lẽ ra phải nói lời chia tay sớm hơn.
Thế nhưng, cách ông Hưng nói về đội bóng cũ, hay đúng hơn là “đổ thừa thất bại cho người khác” thật không đúng với phép ứng xử thông thường của một HLV chuyên nghiệp. Ông Hưng nói rằng: “tôi chẳng lấy người nào về CLB cả. Tôi chỉ là một đầu bếp chế biến, có gì trong tay thì xào nấu cái đó”. Nói vậy để dư luận hiểu rằng, nhà cầm quân này vô can trong chuỗi thành tích tệ hại của đội bóng đất Cảng.
Nhưng lật ngược vấn đề, người ta sẽ thấy vị HLV bị thất sủng này đang trốn tránh trách nhiệm. HLV bao giờ cũng là người phải chịu trách nhiệm cao nhất và cuối cùng với thất bại của đội bóng. Đó là phẩm chất cần có của một HLV chuyên nghiệp. Và nếu ông Hưng chỉ là người đầu bếp chế biến những nguyên liệu mà người khác đem về thì hẳn trình độ “nấu nướng” của nhà cầm quân này rất tệ. Bởi, ai cũng biết, nguyên liệu mà ông Hưng có trong tay đều thuộc diện đặc biệt. Thế nhưng, thay vì chế biến thành những món đặc sản thì qua 3 vòng đấu, dưới bàn tay của ông Hưng, V.HP chỉ như một món ăn vô cùng chán.
Thôi thì, HLV Nguyễn Đình Hưng vẫn còn trẻ, lại đang trong quá trình học hỏi, cú vấp ngã hôm nay sẽ hữu ích cho sự nghiệp của ông rất nhiều. Thế nhưng, một bài học mà ông Hưng cần phải thuộc ngay từ lúc này nếu như muốn trưởng thành là phải biết nhận trách nhiệm.
Hãy làm việc đi
Ngoài sự ồn ào của cuộc chia ly giữa ông Nguyễn Đình Hưng và V.HP thì một hồi chuông báo động đã được gióng lên ở Super League. Giải đấu được mệnh danh là siêu hạng đã bị biến thành siêu bạo lực và siêu tranh cãi.
Tại sân Vinh, trận cầu siêu kinh điển đã bị biến thành bữa tiệc của những pha bóng siêu bạo lực. Người ta rợn người khi chứng khiến những pha bóng theo kiểu nhằm thẳng chân đồng nghiệp mà… chém. Rồi, một cầu thủ đã nhập viện với chấn thương rất nặng. Rồi, khán giả bao vây, tấn công đội khách. Và rồi, trọng tài Vũ Bảo Linh đã bị dọa giết.
Và thật ngạc nhiên khi ở vòng đấu thứ 3, từ Bắc chí Nam, rất nhiều đội bóng tố trọng tài hoặc không có tâm, hoặc chưa đủ tầm bắt ở Super League. Trớ trêu ở chỗ, những pha bóng gây tranh cãi lại theo hướng có lợi cho đội bóng của quan chức VPF, hoặc thành viên BTC giải như trường hợp ở sân Hàng Đẫy và Thanh Hóa.
Hãy khoan nói đến sự đúng sai của các pha xử lý nhạy cảm, mà sự lộn xộn trên sân, những màn chỉ trích nhằm thẳng vào trọng tài cho thấy, cái gọi là niềm tin dành cho đội ngũ cầm còi sau cuộc cách mạng về đãi ngộ do VPF khởi sướng vẫn chưa được xác lập. Điều đó có nghĩa, thứ mà NHM bóng đá mong muốn và khao khát là một sân chơi công bằng, trong sáng và tin tưởng lẫn nhau vẫn là cái đích xa vời.
Bây giờ, chứng kiến sự xấu xí của các màn trình diễn, sự ồn ào của những tranh cãi không đáng có, dư luận tự hỏi rằng, phải chăng VPF và BTC đã quên mất lời hứa của mình với NHM? Thay vì dồn tâm sức vào quản lý, tổ chức giải một cách thật sự chuyên nghiệp, VPF lại cuốn theo những tranh cãi về bản quyền truyền hình trong khi các cơ quan chức năng đang trong quá trình xem xét, phân xử. Nên nhớ rằng, các cơ quan chức năng và NHM dành sự tín nhiệm và trao quyền cho VPF là để tổ chức các giải đấu phải hấp dẫn hơn, sôi động hơn và lành mạnh hơn.
Vậy thì, nói theo cách của bầu Hiển, “các ông bầu hãy làm việc đi”. Hãy chứng minh rằng, niềm tin mà NHM dành cho VPF là đúng! Giờ là lúc để VPF hành động hơn là nói và tranh cãi!
THỐNG KÊ VÒNG 3
Tổng số bàn thắng: 24 bàn, trung bình: 3,42 bàn/trận
Tổng số thẻ vàng: 29 thẻ, trung bình: 4,14 thẻ/trận
Tổng số thẻ đỏ: 3 thẻ, trung bình: 0,42 thẻ/trận
Tổng số khán giả: 42.000 người, trung bình: 6.000 người/trận
Bongdaplus.vn