Trớ trêu thay, điều khiến VPF được biết đến nhiều hơn cả trong thời gian vừa qua lại là cuộc tranh chấp bản quyền truyền hình làm tốn bao nhiêu giấy mực của báo chí cũng như thời gian của các cơ quan quản lý Nhà nước, cho dù mục tiêu cao nhất của VPF khi được thành lập là để quản lý và vận hành các giải bóng đá chuyên nghiệp VN sao cho thật hiệu quả và ổn thỏa.
Vấn đề trọng tài đã bắt đầu gây phản ứng từ các đội bóng - Ảnh VSI
Mới có 3 vòng đấu mà cả Super League và giải hạng Nhất 2012 đã nảy sinh quá nhiều vấn đề như thế này thì xem ra mô hình BTC giải của VPF hiện tại và BTC của VFF ngày xưa cũng không khác nhau là mấy! Này nhé, bạo lực sân cỏ? Có luôn! Vấn nạn trọng tài? Liên tục, liên tục và liên tục! Một số án kỷ luật không nhận được sự tâm phục khẩu phục tuyệt đối từ các bên liên quan? Rất dễ nhận thấy!
Đấy còn chưa kể tới việc tình trạng tên tuổi của các đội bóng cứ nháo nhào, chẳng hạn như ở giải hạng Nhất, khi không phải khán giả nào cũng phân biệt được sự khác nhau giữa 2 đội bóng Hà Nội và Trẻ bóng đá Hà Nội. Với hàng loạt những chuyện không giống ai như thế, Super League và giải hạng Nhất không xảy ra vấn đề ở mỗi vòng đấu mới là điều lạ.
Thế mà chẳng hiểu căn cứ vào đâu lại có những người tung ra tin đồn bản quyền truyền hình Super League nếu lấy lại được từ tay AVG thì có thể sẽ được bán với giá 74 tỷ đồng/3 mùa. Nên nhớ rằng ở mùa giải cuối cùng mà bản quyền truyền hình còn thuộc về VFF là năm 2010, nghe nói VFF cũng chỉ thu được khoảng 3,9-4 tỷ đồng tiền bản quyền truyền hình, thế mà chỉ sau 2 năm, dù chất lượng giải không tăng, số lượng đội bóng dự giải cũng không thêm, song số tiền bản quyền đã tăng vọt tới mức độ không tưởng như vậy.
Thông tin này đúng sai đến cỡ nào, có lẽ chỉ cần nhìn vào diễn biến ở sân cỏ VN cuối tuần vừa rồi là đủ để đưa ra kết luận.
Hoàng Huy
Thethaovanhoa.vn