Olympic Việt Nam: Muốn thành công phải xây chắc móng
NHÌN TỪ MỘT BUỔI ĐẤU TẬP
Trong trận đấu giao hữu với CLB Đồng Nai (hòa 1-1), ĐT Olympic Việt Nam đã trình làng một sơ đồ chiến thuật rất lạ, đó là 5-4-1. Ở hàng phòng ngự, ông Miura bố trí đến 3 cầu thủ đá trung vệ và đó đều là những người có thể hiện tốt nhất của Olympic Việt Nam ở vào thời điểm hiện tại như Quế Ngọc Hải (1m80), Phạm Mạnh Hùng (1m77) và Lê Cao Hoài Anh (1m77).
Ở khu vực trung tâm, ông đưa ra những thử nghiệm liên tục, nhưng có thể, sự ưu ái sẽ dành cho Nguyễn Tuấn Anh, một cầu thủ có khả năng cầm bóng và tổ chức tốt. Để hỗ trợ cho tiền vệ này, Olympic Việt Nam, cần một cầu thủ có lối chơi thiên sức mạnh cơ bắp, và Huỳnh Tấn Tài tưởng chừng là một giải pháp không hề tệ. Nhưng với những gì đã thể hiện trong những trận đấu vừa qua, “ứng cử viên nặng ký” đang thuộc về tiền vệ Đỗ Hùng Dũng. Và trên hàng công, Nguyễn Công Phượng gần như sẽ là sự lựa chọn của ông Miura.
Một giả định đã được đặt ra trong trận đấu với Đồng Nai là đối thủ của Olympic Việt Nam được đặt “cửa trên”, với hàng công và hàng tiền vệ có uy lực rất lớn. Vì thế, các học trò của HLV Miura phải nhường đất cho đối thủ để chơi phòng ngự phản công.
Thực tế, lối chơi này không lạ, bởi tại Asiad 17, cũng nhờ xác định lối chơi là nằm ở “nửa phần sân nhà”, Olympic Việt Nam đã “hạ gục” ông lớn Olympic Iran với tỷ số 4-1, qua đó mở toang cánh cửa vào vòng 1/16.
Trở lại Vòng loại U23 châu Á 2016, HLV Toshiya Miura xác định, đối thủ chính của Olympic Việt Nam là Nhật Bản và Malaysia (đội còn lại là Macau-Trung Quốc). Như đã nói, HLV Miura đã và đang đặt ra nhiều mảng chiến thuật cho Olympic Việt Nam, nhằm ứng biến với các đối thủ khác nhau.
Chắc chắn, trước một ĐT Olympic Nhật Bản rất mạnh, Olympic Việt Nam không thể chơi tay đôi, bởi như thế cũng đồng nghĩa với việc “tự sát”. Do vậy, chiến thuật tốt nhất là tổ chức một lối chơi phòng ngự chủ động, thậm chí có thể đặt một chiếc “xe buýt” trước khung thành, rồi tận dụng những kẽ hở của đối phương để phản công. Với Công Phượng, một cầu thủ có thể cầm bóng và tiềm ẩn sự bùng nổ, rõ ràng, chuyện ông Miura nói rằng: “Sẽ dành món quà bất ngờ cho đội bóng quê hương” là hoàn toàn có lý do.
Dĩ nhiên, đội chủ nhà Olympic Malaysia mới là “đối trọng” trong việc tranh chấp ngôi nhì bảng I. Đá trên Shah Alam chưa bao giờ là chuyện dễ dàng với các ĐTQG của Việt Nam. Nhưng chúng ta có thể hy vọng, bởi hẳn người Malaysia vẫn chưa quên trận bán kết lượt đi trên sân này tại AFF Suzuki Cup 2014, với 2 bàn thắng của Võ Huy Toàn và Nguyễn Văn Quyết, ĐTVN đã lội ngược dòng để thắng 2-1. Và điểm tựa cho thành công ấy, chính là lối chơi chặt chẽ từ sân nhà rồi tung ra những đường phản công chớp nhoáng để làm tung lưới đối phương.
Olympic Việt Nam 1-1 Đồng Nai |
---|
CHỜ ĐỢI ĐIỂM RƠI
Trận đấu với ĐT Olympic Thái Lan vào ngày 22/3 tới đây được coi là buổi tổng duyệt cuối cùng của Olympic Việt Nam trước khi sang Malaysia dự Vòng loại U23 châu Á. Với quan điểm dùng người và chiến thuật của HLV Toshiya Miura, rất khó để đoán được liệu nhà cầm quân này có sử dụng những quân bài tốt nhất hay không. Tuy nhiên, dù có thế nào đi nữa, Olympic Việt Nam cũng sẽ có một hình hài rõ ràng nhất trước khi bước vòng chiến dịch lớn đầu tiên của năm.
Trước ngày lên đường, HLV Miura cũng đã nhận được khá nhiều sự chia sẻ của các đồng nghiệp người Việt Nam. HLV Trần Bình Sự (Đồng Nai) cho rằng: “Đây là những cầu thủ trẻ tốt nhất của bóng đá Việt Nam đang thi đấu tại V.League và giải hạng Nhất. Thời gian qua, ông Miura cũng đã làm công tác thể lực rất tốt. Tuy nhiên, theo tôi, đội tuyển cần một vài sự đổi thay, chẳng hạn như chúng ta cần sử dụng nhiều hơn những pha phối hợp ở cự li ngắn, nhanh, thay vì chơi bóng dài. Nói gì thì nói, chúng ta sẽ còn phải chờ xem Olympic Việt Nam sẽ chơi như thế nào?”.
Chuyên gia Nguyễn Thành Vinh lại có một cái nhìn rất khác: “Rõ ràng, thể lực của các học trò HLV Miura đã tiến bộ đáng kể, họ có thể tranh chấp tay đôi trong suốt 90 phút. Về lối chơi, so với trận Indonesia, Olympic Việt Nam đã chơi mạch lạc và đa dạng hơn. Chúng ta có thể đột phá, thực hiện những pha phản công chéo sân, khi bế tắc, hàng phòng ngự có thể phát động những pha tấn công ở hai biên… Dù còn nhiều việc phải chỉnh sửa nhưng theo tôi, chiến thuật như thế là khá ổn”.
QUAN ĐIỂM CỦA ÔNG MIURA
Người đưa ra quyết định cuối cùng về lối chơi của Olympic Việt Nam chắn chắn là HLV Toshiya Miura. Trong cuộc trao đổi mới đây, nhà cầm quần người Nhật Bản cho rằng: “Olympic Việt Nam sẽ tùy theo từng thời điểm, từng chiến thuật để lựa chọn và thay đổi cách chơi của mình. Với Nhật Bản, đây là đội bóng hàng đầu nên không thể chơi tấn công với họ, còn Malaysia, dù rất mạnh nhưng tôi tin có thể đánh bại họ…”.
Rõ ràng, có một chút tiếc nuối khi HLV Toshiya Miura không thể sử dụng những cầu thủ đầy chất lượng như Lương Xuân Trường, Nguyễn Thanh Hiền, Nguyễn Phong Hồng Duy, Hoàng Thanh Tùng, hay Phạm Hoàng Lâm… nhưng chiến lược gia này có cơ sở để đặt niềm tin ở những người còn lại, bởi cho đến trước ngày lên đường, tất cả đều cảm thấy rất khỏe khoắn từ đôi chân cho đến cái đầu.
“Có thể khẳng định chúng tôi đã sẵn sàng cho vòng loại U23 châu Á 2016, hãy còn quá sớm để nói lên điều gì, chỉ biết rằng, chúng tôi có khát vọng để làm nên điều gì đó ở giải đấu sắp tới” - Đội trưởng Quế Ngọc Hải cho biết.
Ý KIẾN CHUYÊN GIA Có thể kỳ vọng vào Công Phượng và Tuấn Anh “Nhiều người nói này nói nọ, nhưng có một thực tế không thể phủ nhận, khi 2 cầu thủ này vào sân, cục diện trận đấu sẽ thay đổi. Công Phượng chơi hơi cá nhân một chút, có thể đó là thói quen ở CLB, hay việc thiếu những “chân chuyền”, đối tác dẫn đến việc cậu ta buộc cầm bóng… Nếu Phượng tính toán thêm một chút, chẳng hạn như đá nhanh và phối hợp nhiều hơn, cậu ta sẽ rất nguy hiểm. Còn Tuấn Anh là một tiền vệ đầy triển vọng nhưng cần phải có thêm thời gian và chính bản thân cậu ấy cũng phải thay đổi tư duy để thích nghi với môi trường mới. Tôi có niềm tin ở hai cầu thủ này ở giải sắp tới” - Chuyên gia Nguyễn Thành Vinh nói về Công Phượng và Tuấn Anh. |