Video trận U23 Việt Nam - Đồng Nai:
Điều ông Toshiya Miura muốn, giới chuyên môn và người hâm mộ Việt Nam đã muốn từ rất lâu. Bóng đá Việt Nam muốn và muốn rất nhiều, rồi cũng làm đủ kiểu đủ điều, nhưng cái muốn đấy cứ gặp đủ những trở ngại.
Cái muốn mà nhiệm kỳ này đặt ra nhưng nhiệm kỳ sau thì phủ nhận và cứ mỗi nhiệm kỳ, bóng đá Việt Nam lại đi một hướng đến độ có lúc tưởng là đi thẳng, nhưng hóa ra lại quay về điểm cũ.
HLV Toshiya Miura đang đặt quyết tâm rất lớn cùng U23 Việt Nam
Ông Toshiya Miura được “ăn” được “nói” không phải vì những thành tích ở Asiad 17 hay AFF Suzuki Cup 2014 mà bởi đằng sau ông là LĐBĐ Nhật Bản, là nhiều tập đoàn kinh tế Nhật Bản sẵn sàng ủng hộ chiến dịch “giúp” bóng đá Việt Nam phát triển gắn với dòng chảy của các sản phẩm Nhật Bản phát triển ở thị trường Việt Nam. Đó là lý do vì sao những HLV tiền nhiệm ông ở Việt Nam ít dám thẳng thắn nói lên sự thật về bản chất bóng đá Việt Nam, nhưng ông thì vẫn mạnh miệng nói những chi tiết như cầu thủ lười chạy, hoặc V-League là giải đấu kinh khủng… Thậm chí đến thoái quen uống bia, hoặc giờ giấc làm việc kiểu “sáng cắp ô đi, chiều cắp về” ông cũng không ngần ngại đăng đàn.
Sau một thời gian ngắn hiểu rất rõ về bóng đá Việt Nam và cả mặt bằng cầu thủ Việt Nam, ông vẫn lặp đi lặp lại câu muốn bóng đá Việt Nam đánh bại bóng đá Nhật Bản.
Sự ham muốn trong ông có gì khác với ham muốn của người hâm mộ Việt Nam khát khao từ khi ông còn ngồi trên ghế nhà trường?
Để lên ngôi số 1 châu Á, người Nhật không chỉ cải thiện mỗi chuyện banh bóng. Nó gắn cả với sự cải thiện giống nòi bằng lộ trình dài hơi và có điểm rơi được xem là chiến lược của cả nước Nhật. Nó còn ảnh hưởng đến mặt bằng xã hội mà ở Nhật Bản sau cơn thảm họa động đất dù đối diện với đói, rét nhưng vẫn thấy cảnh người Nhật xếp hàng trật tự để nhận từng suất ăn rồi san sẻ cho nhau.
Sở dĩ nhắc đến yếu tố xã hội vì chính những nhà làm bóng đá Việt Nam đi tham quan J-League và tìm hiểu bóng đá nhà nghề Nhật Bản về thì ai cũng nhắc đến mối dây liên kết ở sân bóng giữa cộng đồng, các cổ động viên với cầu thủ và đội bóng được xây dựng bằng ý thức và trách nhiệm.
Chính một lãnh đạo VFF xem và cảm nhận về J-League đã chia sẻ: “Tôi thật cảm động khi chứng kiến khán giả nán lại thật lâu trên sân vỗ tay chờ các cầu thủ đến cúi đầu chào, dù họ vừa thảm bại trước đối thủ và cũng kinh ngạc khi thấy sân bóng hàng chục ngàn khán giả đến xem và đứng dậy không để lại rác, cờ quạt cổ vũ như ta “xả” ra, đặc biệt khi đội nhà thua…”.
Ông Miura hạnh phúc khi thấy đội U23 Việt Nam thi đấu từ Mỹ Đình vào đến sân Thống Nhất đều có lượng khán giả lớn cổ vũ và cả hình ảnh cầu thủ ông bị vây chặt vì lượng fan quá đông hâm mộ. Ông chắc chắn chưa phân biệt được đâu là sự chân tình trong đám đông hỗn loạn ấy và đâu là “chứng cuồng” như năm qua người ta vẫn cuồng U19 mà có lần ông trách móc chuyện thương đám nhỏ (U19) và bỏ bê đám lớn (đội Olympic ông dẫn dắt năm 2014).
Trong phần MUỐN của mình, ông Miura chắc chắn cũng đã nghĩ đến nhiều phần chưa thể từ nền tảng của một đội bóng gắn với xã hội với các bộ phận cần và đủ để bóng đá phát triển một cách tích cực như người Nhật làm bóng đá đi rất nhanh và xuất phát từ sự phát triển của xã hội.
Chiến lược gia người Nhật (giữa) muốn dẫn dắt đội Việt Nam đánh bại đội tuyển quê hương
Vài ngày nữa thầy trò ông Miura sẽ lên đường sang Bangkok đá giao hữu rồi sang Malaysia thi đấu vòng loại U23 châu Á bảng I. Đấy là một chuyến đi “lành ít dữ nhiều” bởi hành trang ông chuẩn bị có lúc phải đi ngược với mong muốn và với triết lý của ông.
Ví như ông từng kiên quyết không bổ sung cầu thủ, nhưng cuối cùng ông phải “bẻ” sang hướng bổ sung để lấp vào những khoảng trống mà sau hai trận giao hữu quốc tế ông thấy còn thiếu rất nhiều. Ông muốn cầu thủ được tích lũy nền tảng thể lực để họ có sức mà chiến đấu, nhưng ông không lường được những ca chấn thương liên tục đến hơn 1/3 quân số trong đó có những chấn thương tiềm tàng từ CLB.
Ông Miura muốn rất nhiều theo cách muốn của những người Nhật khi làm việc và có lúc ông buộc phải chiều theo sự thay đổi miễn cưỡng của mình để phục vụ các giải pháp tình thế.
Hy vọng giữa cái muốn của ông và kiên quyết thực hiện khác với cái muốn mà bóng đá Việt Nam từng muốn, rồi trôi tuột theo thời gian bởi nhiều cái và nhiều thứ không phục vụ cho cái mình muốn.