Sau 20 ngày tập trung đội tuyển, HLV Miura vẫn chưa có một cuộc họp bầu ban cán sự như các lần trước mà chủ yếu đi sâu vào các bài huấn luyện thể lực và chiến thuật. Tuy nhiên, ông thầy người Nhật đã chỉ định trung vệ Quế Ngọc Hải tạm thời đeo băng đội trưởng nhằm thực hiện các quyền của thủ quân trên sân thay vì một cuộc trưng cầu tập thể.
Đội trưởng đội tuyển luôn là một nhân vật có kinh nghiệm, uy tín nói anh em dễ nghe và đặc biệt phải vượt trội về chuyên môn. Nó thường mặc định người khoác băng thủ quân là một thủ lĩnh làm chỗ dựa tinh thần cho đồng đội cả về lối chơi lẫn tinh thần.
Ông Miura chọn Quế Ngọc Hải bởi trung vệ này từng có thời gian dài hơn đồng nghiệp gắn bó với thầy Nhật. Năm ngoái, hậu vệ của SL Nghệ An có mặt cả trên tuyển Olympic tham dự Asiad 17 lẫn AFF Cup và dần trở thành tấm lá chắn vững vàng.
Quế Ngọc Hải với gánh nặng chiếc băng đội trưởng trên tay. Ảnh: QUANG THẮNG
Với đội U-23, người xem thấy Quế Ngọc Hải là người anh nhiều kinh nghiệm nhất nhưng thỉnh thoảng cũng bộc lộ thiếu tự tin khi phải gồng gánh cùng các đàn em. Hải thừa chất thép khi đối đầu với các chân sút đối phương và hỗ trợ tốt cho hàng thủ nhưng tố chất của một thủ lĩnh trên sân chưa thể hiện hết. Trung vệ này luôn là chọn lựa số một của ông Miura, bất chấp anh vừa trở lại sau chấn thương ở trận thắng U-23 Indonesia 1-0 vẫn chơi đủ 90 phút trận hòa không bàn thắng U-23 Uzbekistan.
Rất dễ thấy trong trận gặp U-23 Uzbekistan, trung vệ Quế Ngọc Hải bị mất bóng vô duyên buộc phải phạm lỗi trước vòng 16,5 m và một lần phá bóng ẩu dội người đối phương suýt thành bàn thua. Anh còn dễ mất bình tĩnh sau nhiều lần nổi cáu với đồng đội trong các tình huống tranh chấp thua thiệt mà lẽ ra phải chỉnh sửa hoặc gánh vác thay đàn em.
Một gương mặt đáng chú ý khác là Mạnh Hùng có thâm niên ăn cơm tuyển và chơi khá chững chạc nhưng sức ảnh hưởng chưa đủ làm nổi bật thiên chức thủ lĩnh. Ngoài ra còn có Thanh Hiền giàu kinh nghiệm và biết chơi đa năng lại chưa xuất sắc hơn các đồng nghiệp chơi cùng vị trí.
Trên hàng tiền vệ, cái tên dễ nhớ và gây ấn tượng nhất vẫn là Tuấn Anh của HA Gia Lai. Tuy nhiên, giữa Tuấn Anh với lối chơi trong tập thể U-19 hoặc HA Gia Lai khác rất xa với Tuấn Anh ở đội U-23 buộc phải đá nhanh và đơn giản hơn. Không có những vệ tinh quen thuộc xung quanh và không có thầy “Giôm” bên cạnh, Tuấn Anh bị buộc phải thích nghi lối chơi mới cũng mất chất thủ lĩnh.
Tiếc cho Duy Mạnh bị chấn thương chưa thể trở lại kiểm chứng và ngoài ra những cầu thủ ở tuyến giữa đội tuyển như Tấn Tài, Hùng Dũng, Hữu Dũng vẫn chưa đủ tầm gây ảnh hưởng lớn đến lối chơi và vực dậy tinh thần đồng đội.
Tìm một thủ lĩnh ở U-23 Việt Nam hiện nay vẫn khó hơn thế hệ U-23 trước với những cái tên như Minh Phương, Tài Em, Công Vinh hoặc Thành Lương, Văn Quyết, Hoàng Thịnh…
Tại con người, tại quỹ thời gian hay tại triết lý của HLV?
Ốc chưa mang nổi mình ốc Rất nhiều người kỳ vọng chân sút trẻ mới nổi Công Phượng sẽ trở thành một thủ lĩnh thật mạnh mẽ trên đội tuyển nhưng qua ba trận giao hữu, tiền đạo của HA Gia Lai vẫn còn mờ mờ nhân ảnh. Sự chú ý của dư luận lẫn chăm sóc quá lớn của các đối thủ đã khiến Công Phượng khó chơi hơn và chưa thể trở lại là chính mình như hồi khoác áo U-19 Việt Nam. Chân sút này có thể nổi trội nhất ở hàng tiền đạo so với Văn Toàn, Thanh Bình, Văn Thành (trừ hai tiền đạo còn chấn thương Tuấn Tài và Phúc Tịnh) mà thật khó cho Công Phượng vụt lớn như một thủ lĩnh hay chỉ đơn giản là vượt qua chính mình.
Công Phượng đang gặp khó khăn ở hàng công dù rất nỗ lực. Ảnh: X.HUY HLV Miura vẫn đánh giá cao khả năng của Công Phượng sau các trận giao hữu dù ai cũng thấy số 10 luôn khó khăn với thói quen hay rê dắt bóng không cần thiết của mình. Công Phượng dường như cũng rơi rớt phần nào cảm giác săn bàn sau một lần sút tung lưới Hà Nội T&T thì hai trận sau gặp đối tượng lớn hơn là U-23 Indonesia và U-23 Uzbekistan gặp nhiều khó khăn. Chân sút này cần thời gian để lấy lại sự tự tin và bản năng đánh hơi bàn thắng vốn có của mình hơn là thể hiện rõ phẩm chất thủ lĩnh. |