Điểm trừ từ người hâm mộ
Cuối năm 2013 và trong năm 2019, U19 Việt Nam với nòng cốt là những thành viên của lứa 1 Học viện HAGL JMG Arsenal đã gây bão dư luận, tạo lên một bầu không khí bóng đá mới cho người Việt. Đi đâu người ta cũng nói lới những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn...
Các sân bóng có họ thi đấu, dù là giao hữu hay chính thức, đều chật kín khán giả. Người hâm mộ háo hức, chờ đợi những màn trình diễn của U19 Việt Nam không hẳn vì họ quá mạnh, thắng như chẻ tre, giành hết danh hiệu này đến danh hiệu khác, mà chỉ đơn giản là sự cống hiến, những pha bóng đẹp mắt và tinh thần thi đấu đầy “fair-play”.
Tuấn Anh bị hạn chế rất nhiều về mặt sáng tạo. Ảnh Thanh Niên.
Bước vào năm 2015, những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn... chia tay U19 Việt Nam để lên chơi ở một cấp độ cao hơn – ĐT U23 Việt Nam. Thêm một lần nữa, người hâm mộ lại kỳ vọng, họ có thể mang thứ bóng đá đẹp tới các sân bóng. Sự kỳ vọng càng tăng cao khi người dẫn dắt U23 Việt Nam là HLV Miura, người từng đưa Olympic Việt Nam vào tới vòng 1/8 Asiad 2014 và ĐT Việt Nam vào bán kết AFF Cup 2014.
Tuy nhiên, thực tế những gì diễn ra trong thời gian qua lại không như mong đợi của người hâm mộ. Các sân đấu có sự góp mặt của U23 Việt Nam... vẫn đầy ắp khán giả. Nhưng sự cuồng nhiệt, hào hứng đã giảm đi phần nào. Phải chăng những Công Phượng, Tuấn Anh, Văn Toàn, Văn Sơn, Duy Mạnh, Quế Ngọc Hải, Mạnh Hùng, Đức Lương... đã hết “hot”?
Không hẳn như vậy! Người hâm mộ vẫn rất quan tâm tới U23 Việt Nam với nòng cốt là những cầu thủ thuộc đội U19 năm ngoái, song chính lối chơi có phần cứng nhắc, đơn điệu của họ khiến lại khiến người hâm mộ không thấy vừa mắt.
Gần đây nhất, trong trận đấu với Đồng Nai, gần 10.000 khán giả trên sân Gò Đậu phản ứng khi U23 Việt Nam đá một cách khô cứng, không có đường nét và thiếu những pha bóng đẹp. Anh Nguyễn Hoàng, một người hâm mộ chạy từ TP.HCM xuống Bình Dương để xem trận đấu, thất vọng khi chia sẻ với báo Thanh Niên: “Trận đấu cần phải có những pha bóng đẹp mới tạo nên xúc cảm cho người hâm mộ, chứ đá như cái máy thì chán quá”.
Cần nhìn theo hướng tích cực
Theo cách nhìn của người hâm mộ cũng có những điểm rất có lý. Hãy xem! Tuấn Anh trong màu áo U19 và Tuấn Anh của U23 là hai “phiên bản” hoàn toàn đối nghịch nhau. Ở đội U19, Tuấn Anh là chàng lãng tử ở giữa sân. Bởi tuyển thủ của HAGL thường có những pha ngoặt bóng điệu nghệ trong khi người vẫn đứng thẳng, khiến đối thủ phải bất ngờ.
Tuấn Anh thật sự là người làm xiếc với quả bóng bởi những pha xử lý bóng thông minh, tài tình. Còn ở U23 thì sao, chàng lãng tử Tuấn Anh bị biến thành robot. Mỗi khi có bóng trong chân, Tuấn Anh liền chuyền như một cái máy, chứ không dám sử dụng kỹ thuật cá nhân để gây bất ngờ cho đối phương, nhằm đổi hướng bóng và tạo khoảng không thuận lợi hơn để chuyền bóng.
Sở dĩ Tuấn Anh phải thay đổi lối chơi là vì anh phải làm theo mệnh lệnh của HLV Miura. Nhà cầm quân người Nhật muốn xây dựng lối đá nhanh, một chạm ở U23 Việt Nam nên yêu cầu các học tiết giảm những động tác thừa hay những tình huống lạm dụng kỹ thuật cá nhân. Không chỉ Tuấn Anh, mà ngay cả Công Phượng cũng bắt đầu phải thay đổi theo hướng như thế. Số 10 không còn có nhiều pha đi bóng như làm xiếc trước 2-3 đối thủ, thay vào đó thường di chuyển rộng, phối hợp nhanh với các đồng đội xung quanh...
Nên chăng, HLV Miura cũng không cần phải quá cứng nhắc. Ông đã có một hàng thủ chắc chắn, vậy thì tại sao không cho các cầu thủ tuyến trên có nhiều cơ hội thể hiện những phẩm chất cá nhân ưu việt của mình. Một Tuấn Anh thi đấu đúng bản năng sẽ trở nên vô cùng nguy hiểm và điều đó cũng đồng nghĩa, Công Phượng sẽ có nhiều đất diễn hơn và nhiều khoảng trống hơn. Có thể việc Công Phượng không thể hiện được mình thời gian qua là vì Tuấn Anh đã bị biến thành “robot”.