ĐT Việt Nam: Đá hay nhờ thể lực tốt
Thật ra, huấn luyện thể lực là một công việc lâu dài, đòi hỏi tính khoa học rất cao chưa kể nền tảng sẵn có. Nhưng trong thể thao, người ta không nhất thiết phải có thể lực phi phàm để... thắng về thể lực. Ngày xưa, đội tuyển Hà Lan với biệt danh “cơn lốc màu da cam” làm cả thế giới choáng ngợp bởi lối chơi tổng lực nổi tiếng tại World Cup 1974, dù chính các ngôi sao Hà Lan luôn thừa nhận họ không bao giờ mạnh mẽ về thể lực.
Gần đây, các cầu thủ nhỏ thó của Barcelona và đội tuyển TBN làm mưa làm gió trong suốt một thời gian dài, cũng bằng sự di chuyển và tấn công liên tục, dù họ chẳng hề là những hình mẫu tiêu biểu về thể lực. Tất cả đều liên quan đến việc phân phối và dùng sức hợp lý, từ đó trở nên ưu việt so với các đối thủ vốn ngang hoặc hơn họ về thể lực. Đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup cũng tiến bộ về thể lực bằng con đường ấy.
Nói nôm na thì các tuyển thủ Việt Nam chạy nhiều tại giải này, và họ cũng chạy đến tận cuối trận chứ không còn tình trạng đi bộ từ giữa hiệp hai như điều thường thấy trước đây. Đấy là do tất cả cùng nhau di chuyển, chứ không có tình trạng chỉ có vài cá nhân di chuyển trong khi đồng đội đứng yên chờ bóng.
Thành Lương là một nhân vật trung tâm trong cách chơi này. Anh hoạt động rất rộng, quán xuyến khu vực giữa sân và có thể chơi tốt ở cả hai cánh. Nhưng khi Thành Lương di chuyển thì điều quan trọng là chính anh luôn có khả năng kéo các vị trí xung quanh phải di chuyển theo để phối hợp.
Có hai hệ lụy quan trọng. Một là toàn đội “chia sức” với nhau nên tất cả đều bảo đảm giữ thể lực tốt cho đến cuối trận. Thứ hai, sự di chuyển đồng bộ (cùng với khả năng xử lý kỹ thuật tốt) dẫn đến các pha phối hợp gọn gàng và có hiệu quả, từ đó dẫn đến kết quả tốt đẹp cả trong chiến thuật.
Không ít chuyên gia nhận xét: trước đây Thành Lương chơi khá lắt nhắt, rê giắt nhiều nên chẳng những tính đồng đội không cao mà hiệu quả chung cũng giảm đi. Bây giờ, tất cả đã khác. Đá đơn giản và hiệu quả thì sẽ giảm được các hành động thừa thãi và đấy cũng là điều quan trọng trong việc giữ sức.
Ở trận đấu cuối cùng với Philippines, Thành Lương (chỉ cao 1m63) thi đấu bùng nổ nơi cánh trái và buộc các hậu vệ cao to của ĐT Philippines như Simone Rota (1m78), Robert Gier (1m78) hay Aguinaldo (1m80) phải vất vả truy cản. Hơn thế, Thành Lương còn trực tiếp ghi bàn từ một cú sút xa đẹp mắt, ấn định chiến thắng 3-1 của Việt Nam trước Philippines.
HLV Miura đang đặt dấu ân của mình lên thể lực của ĐTVN
Nhìn tổng quát, phần lớn các pha di chuyển của tuyển thủ Việt Nam ở vòng bảng là sự di chuyển chủ động, có hiệu quả. Ngược lại, đối phương mất sức nhiều hơn do thụ động trong việc di chuyển để cản phá, và dĩ nhiên cũng xuống sức nhanh hơn. Thêm nữa, khi tấn công các cầu thủ của chúng ta đã ít bị mất bóng bất ngờ nên ít khi phải hối hả chạy về bọc lót, nhờ đó thể lực cũng ít bị mất hơn.
Thể lực tốt quyết định sự vận hành nhuần nhuyễn cho lối chơi trong khi lối chơi hợp lý cũng có ý nghĩa quan trọng trong việc giữ sức, dẫn đến thể lực tốt. Thầy trò Miura có vẻ như đang thành công trong mối tương quan thú vị về mặt chuyên môn này