
Đằng sau những vụ chuyển nhượng của cầu thủ nội: Đánh nhanh, thắng nhanh
ĐỒNG TIỀN ĐI TRƯỚC LÀ ĐỒNG TIỀN KHÔN
Hết mùa giải 2014, HA.GL bước vào cuộc thay máu lực lượng mạnh mẽ khi họ chia tay gần 20 cầu thủ để đưa lứa U19 từ Học viện HA.GL Arsenal JMG lên đội 1 để năm 2015 tham dự V.League.
Trong số những cầu thủ ra đi, có nhiều người chất lượng như Anh Tuấn, Thái Dương, Ngọc Luận và đặc biệt là hậu vệ Phùng Văn Nhiên. Khi biết cựu tuyển thủ Quốc gia này rời HA.GL đã có đến 4 CLB liên hệ để chiêu mộ cầu thủ người Nam Định này, trong đó “máu” nhất là Hải Phòng.
Đội bóng đất Cảng không quá dư dả về tài chính nhưng họ có cách mua táo bạo, nhanh đến bất ngờ. Biết Văn Nhiên về quê nhà tại Vụ Bản (Nam Định) chăm vợ mới sinh con, lãnh đạo đội Hải Phòng đã phóng xe từ thành phố Cảng đến tận nhà Văn Nhiên và chìa ra bản hợp đồng. Nhanh tay có được chữ ký của cầu thủ được xem là “người không phổi” này, Hải Phòng chi ra số tiền tạm ứng lót tay trong khoản 400 triệu đồng/năm để Văn Nhiên an tâm, chờ ngày ra tập trung cùng đội nhà.

Huỳnh Văn Thanh

Huỳnh Văn Thanh
Hay như trường hợp cầu thủ vừa khoác áo Olympic Việt Nam Huỳnh Văn Thanh cũng được Thanh Hóa săn đón rất nhanh và đem lại kết quả khả quan. Khi biết Văn Thanh vừa thi đấu ở Hàn Quốc về, đội bóng xứ Thanh đã điện gấp cho tiền đạo này để ra ký hợp đồng mới.
Văn Thanh muốn thi đấu ở môi trường mới nên anh cũng dứt điểm giải quyết chuyện hợp đồng với đội bóng chủ quản Bình Định để lần đầu tiên trong đời được thi đấu ở V.League trong màu áo Thanh Hóa.
Cũng liên quan đến Thanh Hóa, trường hợp cầu thủ Đào Văn Phong cũng rất thú vị. Cuối mùa 2014, Văn Phong xin Hải Phòng được ra đi, và lúc đó, cả Khánh Hòa lẫn QNK.QN đều rất muốn có chữ ký của cầu thủ vừa có thể đá hậu vệ biên, trung vệ thậm chí là thủ môn này.
Nhưng do chậm trễ trong vấn đề thương thảo tiền bạc nên cuối cùng Văn Phong lựa chọn Thanh Hóa làm bến đỗ mới của mình vì được nhận số tiền lót tay nhanh, để anh mang ra Hải Phòng 1 tỷ đồng tiền đền bù cho 1 năm hợp đồng còn vướng với đội bóng đất Cảng.
THAN QUẢNG NINH ĐÓNG VAI “HOT BOY”
Trong số những đội bóng hoạt động mạnh mẽ trên thị trường chuyển nhượng thì Than.QN xứng đáng trở thành tâm điểm, gây được sự chú ý cao độ. Vừa được chuyển giao về công ty khai thác khoáng sản vàng Hà Giang, đội bóng vùng Mỏ đổi đời thực sự.
Ngay trong buổi tập đầu tiên chuẩn bị cho mùa giải 2015, sếp mới Phạm Mạnh Hùng đã gọi tổng cộng 12 cầu thủ lên phòng mình nói chuyện về việc gia hạn hợp đồng. Số lượng cầu thủ nhiều nhưng với phong cách làm việc thoáng, ông Hùng giải quyết chỉ trong vòng chưa đầy 1 tiếng đồng hồ.
Từng cầu thủ 1 gõ cửa phòng ông và chỉ khoảng 5-10 phút là giải quyết xong xuôi về việc thương thảo số tiền lót tay. Những Bật Hiếu, Xuân Hùng, Tuấn Linh, Hải Huy, Huy Cường, Minh Tuấn, Trọng Nghĩa, Văn Việt,…rời cửa phòng với nụ cười mãn nguyện và điều đáng nói là các cầu thủ nói trên đều nhận được trên 1 tỷ đồng/năm/người.
Cách làm nhanh gọn của ông Hùng tiếp tục được áp dụng với trường hợp của tuyển thủ QG Nguyễn Minh Tùng. Khi biết Minh Tùng kẹt chuyện hợp đồng với đội bóng cũ V.NB, ông Hùng điện thoại thẳng cho hậu vệ người Thanh Hóa hỏi rằng: “Bây giờ cháu phải đền bù cho người ta bao nhiêu?”. Minh Tùng lắp bắp nói rằng do mình còn 2 năm hợp đồng với V.NB và nếu muốn ra đi thì phải đền bù 1 tỷ đồng, sau đó ông Hùng sai “lính” của mình mang 1 tỷ đồng tiền mặt từ Quảng Ninh đến Ninh Bình và cùng Minh Tùng vào gặp lãnh đạo V.NB, thế là mọi chuyện giải quyết ổn thỏa luôn.
Than.QN đã nhanh tay hơn SHB.ĐN, đội bóng cũng rất muốn có được Minh Tùng. Bắt hụt Minh Tùng, sau đó SHB.ĐN đành phải “vá” bằng việc chiêu mộ trung vệ Phồng Quang Trung từ Đồng Nai.

Công Vinh nay đã là người của B.BD

Công Vinh nay đã là người của B.BD
“CỨNG” NHƯ B.BD
Từng nổi lên là chân sút hàng đầu V.League, tiền đạo Oseni đã chia tay HA.GL vào cuối mùa giải 2013, sau đó anh sang Thổ Nhĩ Kỳ thi đấu. Nhưng do không cạnh tranh được vị trí nên tiền đạo người Nigeria này đành quay trở lại V.League.
Ban đầu, khi làm việc với B.BD, anh hét giá tiền lót tay rất cao lên đến 150.000USD/năm. Biết chân sút này bị nhà môi giới giật dây đòi giá cao nên B.BD rất “tỉnh đòn” trong việc thương lượng giá cả. Trong cuộc gặp tại Thủ Dầu Một, B.BD nói đúng 1 câu với Oseni: “Anh về đây cũng chưa chắc hay bằng Abass đâu. Chốt cuối cùng nhé: 55.000 USD/năm”. Bị đưa về đúng giá trị thật của mình, Oseni chạy ra ngoài cửa điện thoại cho nhà môi giới thân quen của mình để rồi sau đó trở vào phòng với cái gật đầu, đồng ý mức giá hơn 1 tỷ đồng/năm.
Dường như đã rút ra nhiều bài học trong việc mua bán cầu thủ nên B.BD tỏ ra rất “cứng”. Ngay như trường hợp mua Công Vinh, đội bóng đất Thủ cũng nắm đằng cán khi để tiền đạo xứ Nghệ suy nghĩ về mức giá được cho là 7 tỷ đồng/3 năm.
Suốt gần 1 tháng trời suy nghĩ, cuối cùng Công Vinh cũng đồng ý với mức giá mà đội bóng đất Thủ đưa ra nhưng phải nhận tiền được chia thành 6 đợt trong 3 năm hợp đồng sắp tới.
Thị trường chuyển nhượng cầu thủ ở V.League từng giúp nhiều người đổi đời. Nhưng theo thời gian và sự thay đổi của tình hình kinh phí hoạt động của các CLB nên mọi thứ không còn “tươi” như cách đây 3-4 năm.
Đó cũng là yếu tố mang lại những cách làm mới ở các CLB khi họ không bị cầu thủ “thổi giá” quá cao so với năng lực của mình. Đó cũng là lẽ tất yếu để dần dần dẹp bỏ được vấn đề rất nan giải với các đội đó là khi sắp hết hợp đồng, nhiều cầu thủ sẽ thi đấu giữ chân, chờ đi bến đỗ mới với giá tiền lót tay cao vút!
Rắc rối vì…thầy
Vào đầu tháng 9 vừa qua, tiền đạo Mạc Hồng Quân (ảnh) đã gặp HLV Vũ Quang Bảo để xúc tiến việc ký hợp đồng với QNK.QN. Tuy nhiên, chỉ sau đó 1 tuần, ông Bảo và QNK.QN bất ngờ chia tay nhau. Lỡ cỡ, Hồng Quân rơi vào hoàn cảnh trớ trêu khi ông Bảo giờ đã là HLV của Thanh Hóa còn bản thân mình lại đứng giữa ngã ba đường bởi tiền đạo Việt kiều này lại chưa muốn về xứ Quảng sau khi ông Bảo ra đi.

Tiền đạo Mạc Hồng Quân