
ĐT Việt Nam: Điểm yếu chống phản công
3 BÀN THUA – 3 BÀI HỌC QUÝ
Sau những thất bại ở các trận tập huấn tại Nhật Bản, HLV Toshiya Miura đã nhắc nhở các học trò rất nhiều về khả năng bọc lót, đặc biệt là đánh chặn và chống phản công. Tuy nhiên, khi gặp đội bóng mạnh Palestine, nhược điểm ấy của ĐT Việt Nam lại xuất hiện trong cả 3 bàn thua!
Ở bàn thua đầu tiên vào phút 56, một hậu vệ Palestine nhận bóng rồi thực hiện đường chuyền xa tới 60m cho 3 đồng đội băng xuống đối mặt với thủ môn Tô Vĩnh Lợi. Ashraf Nu’man dễ dàng đẩy bóng sang để Abuhabib dứt điểm vào lưới trống. Trong tình huống này, hàng thủ dâng lên quá cao và không kịp lùi về, người mắc lỗi nghiêm trọng là Hoàng Thịnh, đang đứng gần nhất với cầu thủ đội bạn có đường chuyền vượt tuyến nhưng lại không áp sát để gây áp lực, giảm tính chính xác của đường chuyền.
Phút 71, từ pha đá phạt góc của đội bạn, Mạc Hồng Quân đánh đầu giải vây và tiền vệ Salhe bắt vô lê điệu nghệ, ghi bàn thứ 2 cho đội khách. Trong tình huống này, tiền vệ đội trưởng Tấn Tài đã không áp sát kịp và Salhe nhanh hơn một nhịp, tung chân dứt điểm ghi bàn.

Ở bàn thứ 3, từ một tình huống phản công, 2 cầu thủ Palestine trong vòng vây của 4 hậu vệ và thủ môn của ĐT Việt Nam mà vẫn ghi được bàn thắng. Các tuyển thủ Việt Nam đã để cho cả Ahmed Maher (người chuyền bóng) và Eid (người dứt điểm) quá nhiều khoảng trống và sự thoải mái.
CẢI THIỆN TOÀN DIỆN
HLV Toshsiya Miura nhận xét, ĐT Việt Nam đã chơi tốt trong trận gặp Palestine nhưng vẫn còn nhiều nhược điểm, đặc biệt là thiếu sự tỉnh táo, tính tổ chức và tính khoa học kém, tấn công ào ạt nhưng mất kiểm soát và phòng ngự còn bị động, mất phương hướng. Thế nên, bây giờ ông yêu cầu khi đội tấn công, cần có người chỉ đạo phòng ngự từ xa hay còn gọi là chống phản công hoặc khi phòng ngự, vẫn cần có người sẵn sàng lao về phía trước để tạo đột biến và được gọi là phòng ngự - phản công.
Triết lý của HLV Miura là chơi bóng đơn giản, vây ráp thường xuyên, hạn chế tốc độ của đội bạn và phản công nhanh lẹ, chính xác. Để tạo áp lực lên đối phương, tất cả các cầu thủ đều là hậu vệ, trong đó tiền đạo là hậu vệ đầu tiên, thủ môn là hậu vệ cuối cùng. Đường chuyền dài đến 60m trước khi mở tỷ số của đối thủ xứng đáng là bài học đắt giá cho ĐT Việt Nam. Việc Tấn Tài chậm một bước chân để Salhe dứt điểm một chạm và ghi bàn cũng là bài học sinh động cho ĐT Việt Nam.
Bàn thắng “1 không 2”
Trong lịch sử các lần tranh tài ở giải vô địch ĐNÁ (Tiger Cup trước đây và AFF Suzuki Cup ngày nay), ĐT Việt Nam đã có tổng cộng 101 bàn thắng sau 47 trận đấu tại đấu trường này. Vì vậy, các cầu thủ ĐT Việt Nam đang có một “cuộc thi” nội bộ với nhau để xem ai trong số họ sẽ là tác giả của bàn thắng thứ 102. Ai cũng muốn thắng trong cuộc thi này bởi 102 có thể hiểu là bàn thắng “có 1 không 2”.