Dù đưa đội bóng TP.HCM tới chức vô địch Cúp QG, nhưng ông chung vẫn phải nhận lời “cám ơn” và tờ giấy thanh lý hợp đồng từ lãnh đạo. Thay vì lựa chọn một bến đỗ mới vì tự ái nghề nghiệp như lần chia tay B.BD, ông Chung chọn một giải pháp khiến nhiều người ngạc nhiên là… đi học tại CH Czech.
Một HLV có thừa danh tiếng nhưng vẫn quyết định tầm sư học đạo, ấy là chuyện đáng để nói. Càng đáng nói hơn, ông Chung đã ở cái tuổi xưa nay hiếm ở làng HLV Việt Nam. Mọi thứ đã lên đến đỉnh. Ở trường hợp của ông Chung, nhiều người sẽ lựa chọn giải pháp sống, làm việc bằng kinh nghiệm và sau đó, “tạm biệt cuộc chơi” một cách thanh thản.
Thế nhưng, nhà cầm quân này quyết định làm cái việc mà những HLV lớn tuổi thường không bao giờ nghĩ đến, đó là đi học để cập nhật kiến thức mới. Có thể hiểu ông Chung là người hết sức cầu thị. Ông không hài lòng với những gì mình đang có. Và ông quan niệm rằng, muốn thành công trong một cuộc chơi khắc nghiệt thì các HLV không thể trông cậy vào thứ vũ khí duy nhất là kinh nghiệm.
HLV Mai Đức Chung muốn làm mới mình, muốn cập nhật những kiến thức mới không chỉ vì ông thấy rõ hạn chế của bản thân, mà còn cho thấy khát vọng chinh phục những đỉnh cao lớn hơn của nhà cầm quân này. Ông chưa muốn dừng lại ở cái tuổi mà nhiều người đã tính chuyện “về hưu”.
Thế nên, chuyện HLV Mai Đức Chung rục rịch sang ăn ở và làm việc tại một đội bóng chuyên nghiệp ở CH Czech có thể coi là tín hiệu tích cực của nền bóng đá. Rằng, những HLV lớn tuổi vốn được coi là “bảo thủ”, ít chịu tiếp cận với những kiến thức mới đang cố gắng thích ứng với cuộc chơi. Và nếu những HLV vốn đã khẳng định thương hiệu quyết tâm làm mới mình thì bóng đá Việt Nam sẽ được hưởng lợi. Bản lĩnh trận mạc sẽ giúp họ thẩm thấu kiến thức mới tốt hơn và sau đó đem áp dụng những gì thu được vào việc điều binh khiển tướng.
Có một thực tế đáng buồn ở bóng đá Việt Nam là những HLV thuộc dạng “hàng hiệu” thì không có bằng cấp, thậm chí trở thành ốc đảo trước dòng chảy không ngừng của bóng đá thế giới. Ngược lại, những HLV bằng cấp đầy mình thì không thể, hoặc không có cơ hội đưa kiến thức vào thực tiễn. Vậy nên, dù chúng ta có rất nhiều chuyên gia bóng đá nhưng lại thiếu những HLV giỏi cầm quân. Việc áp dụng những lý thuyết đã học vào thực tiễn của một bộ phận HLV được đào tạo luôn là một vấn đề nan giải. Trong khi đó, những HLV vốn hàng ngày xung trận thì coi việc nạp thêm kiến thức là chuyện của… những người không có việc gì để làm.
Muốn thoát được cái vòng luẩn quẩn kể trên đòi hỏi phải có một chiến lược tạo nguồn HLV. Thế nhưng, mọi chiến lược chỉ phát huy hiệu quả khi bản thân các HLV phải ý thức được tầm quan trọng của việc tự nâng cao kiến thức. Hay nói đúng hơn, họ phải chủ động trong việc làm mới mình bởi thực tế cho thấy, rất ít các HLV chịu đi học vì “không sắp xếp được thời gian”. Nhưng thực tế thì, những HLV vốn có kinh nghiệm mà thường xuyên tiếp cận kiến thức mới sẽ rất thành công trong sự nghiệp, điển hình như các ông: Phan Thanh Hùng, Lê Huỳnh Đức, Hoàng Anh Tuấn, Nguyễn Hữu Thắng…
Vậy nên, muốn bóng đá phát triển, bản thân các ông thầy phải thay đổi tư duy.
Bongdaplus.vn