Từ bóng đá quốc doanh
Nam Định 2 năm xuống liền 2 hạng chung quy bởi một chữ “tiền”. Không có nhà tài trợ đồng nghĩa với việc không thể có mức đãi ngộ tốt dành cho HLV và cầu thủ, nên không giữ chân được những con người ưu tú nhất và không chiêu mộ được những ngoại binh đủ khả năng vực dậy đội bóng (với mức lương khiêm tốn chừng 3.000 USD / tháng).
Một trung tâm giàu truyền thống khác là Nghệ An, thức thời và nhanh chân hơn với việc chuyển đổi mô hình, cơ chế nên tình hình có khá hơn nhưng về cơ bản vẫn chưa thoát khỏi cảnh “nghèo”. Trái với những thông tin dồn dập về mức thưởng hơn 10 tỷ đồng cho chức vô địch trước trận “chung kết” với HN.T&T ở mùa giải 2011, sau khi nâng Cúp cũng là lúc thày trò HLV Nguyễn Hữu Thắng mặt dài ra trông thấy.
Bởi việc một cầu thủ như Trọng Hoàng chỉ nhận được chừng 100 triệu tiền thưởng cho chiến tích lịch sử sau 10 năm thì có thể suy ra phần còn lại sẽ như thế nào. Người ta dự đoán rằng, nếu Ngân hàng Bắc Á không mạnh tay đầu tư để giữ chân các trụ cột (hầu hết sẽ đáo hạn hợp đồng sau mùa giải 2012), rất có thể SLNA một lần nữa sẽ lại lâm vào cảnh tiêu điều giống như trong quá khứ.
Trong trường hợp điều vừa nhắc xảy ra, đội bóng xứ Nghệ có thể tìm thấy sự đồng cảm xa tận phương Nam như TĐCS.ĐT, hoặc gần ngay trước mắt như người láng giềng Thanh Hóa, những đội bóng tương tự SLNA, tuy đã khoác lên mình chiếc áo mới nhưng vẫn chưa thoát khỏi hình hài của bóng đá quốc doanh, phụ thuộc cả vào ngân sách tỉnh lẫn túi tiền của các nhà tài trợ, và khi tiền ít cũng là lúc “nghĩa” không (khó) đầy.
Đến bóng đá doanh nghiệp
Nam Định, SLNA hay TĐCS.ĐT có thể vì chậm thay đổi triệt để cơ chế của mình nên chưa thoát khỏi tình trạng khó khăn về tài chính, song điều đó không đồng nghĩa với việc sự eo hẹp về tiền bạc sẽ buông tha những đội bóng doanh nghiệp chẳng còn gì liên quan đến Nhà nước.
Phải tới tuần sau các cầu thủ HN.T&T mới được nhận khoản tiền thưởng cho chức á quân V-League 2011 của họ. Tức là mất khoảng 4 tháng kể từ khi kết thúc giải đấu, tiền mới “nổi” trong tài khoản. SHB.ĐN cò kè từng đồng một với những cựu binh có nhiều cống hiến như Nguyễn Rogerio, Văn Hạnh... dẫn tới việc họ phải ra đi tìm bến đỗ mới.
Các cầu thủ N.SG thì bảo rằng chưa bao giờ kể từ khi đội bóng tiền thân là QK4 ấy thay tên đổi chủ, tiền lương và tiền ăn lại chậm như thời điểm này, còn danh xưng “đại gia” của V.NB đã có lúc bị nghi ngờ bởi “nhà giàu” thỉnh thoảng vẫn hà tiện. Giải tập huấn Ninh Bình-Thanh Hóa mở rộng phải hủy bỏ mới đây xuất phát từ nguyên nhân quan trọng là các đội bóng ấy không muốn chi quá nhiều tiền cho khâu tổ chức.
Chuyện ông bầu Nguyễn Đức Thụy của Sài Gòn Xuân Thành cách đây vài ngày bỏ của chạy lấy người sau khi đầu tư vào bóng đá thì không khác gì một vở bi hài kịch. Những lời hứa hẹn toàn màu hồng cuối cùng biến thành màu đen với việc khá nhiều cầu thủ cũ từ XT.Hà Tĩnh, Bảo hiểm Thái Sơn Quảng Nam rồi SG.XT bị “bùng” tiền lót tay cùng chế độ của họ.
Và sau một trào lưu sang nước ngoài tập huấn trước mùa giải mới, các giải tập huấn nở rộ trong nước thời gian qua bởi điều gì nếu không phải là túi tiền của những ông bầu giờ đã “có đáy”. Còn việc VPF (với ý kiến của các ông chủ đội bóng) sau khi ra đời, dự kiến quy định mức thưởng “trần” là 500 triệu đồng cho mỗi chiến thắng một phần cũng xuất phát từ thực tế rằng tiền không còn là lá cây.
Hầu hết các ông bầu trong lĩnh vực bóng đá, không ít thì nhiều, đều có liên quan đến bất động sản và thị trường chứng khoán. Không ngạc nhiên khi cách nay vài năm, cái thời mà ai chơi chứng khoán cùng giàu lên và mua bán một căn nhà thậm chí có thể giúp một người bình thường thay đổi cả cuộc sống, cũng là thời điểm dòng tiền đổ vào bóng đá cuồn cuộn như nước.
Thế nên nếu muốn ai cũng có thể tìm ra nguyên nhân khiến “dòng sông” giờ đóng băng!
Đức Hoàng
Thethaovanhoa.vn