
Nhưng đã có cảnh báo rồi, xe ôm Tây phục vụ chỉ là… xe ôm rởm, vì anh chàng Tây chạy xe ôm này vốn là sinh viên khoa Ngữ văn Việt - Thái của trường Đại học Hà Nội, đã được nhà đài thuê làm diễn viên đóng giả xe ôm để khai thác những phản ứng, cảm xúc thật của người dân Việt đối với nhân vật trong một chương trình truyền hình thực tế. Cảm xúc thì thấy rõ rồi đấy. Dân tình nóng ran lên vì tò mò, hiếu kỳ. Họ quên rằng, đấy là một việc hết sức bình thường, bởi thực tế hàng nghìn sinh viên ta đang hàng ngày làm đủ nghề còn cực nhọc hơn là nghề xe ôm để theo đuổi giấc mơ giảng đường đại học.
Nhưng anh ấy nổi tiếng vì là... Tây!
2. Lại nhớ đầu mùa bóng năm nay, chỉ một giải tập huấn do mấy CLB thi đấu nhưng sức nóng chẳng kém gì giải có đội tuyển quốc gia tham dự. Đơn giản, bởi giải đó có ông trọng tài đẹp trai người Hàn Quốc là Kim Jong Hyeok, nụ cười hiền lành luôn thường trực trên môi. Ông này càng nổi tiếng khi có ý... bênh U23 Việt Nam tại SEA Games 26, cụ thể trận bán kết với chủ nhà U23 Indonesia.
Các fan nữ phát cuồng, chen nhau xin chữ ký. Đúng là tủi thân cho trọng tài chủ nhà, khi mà xung quanh giải đó không thiếu “vua” hàng đầu của bóng đá Việt Nam, đặc biệt như trọng tài FIFA có tiếng ở AFC là Võ Minh Trí. Vậy mà, anh Trí “cào” nhà ta chẳng có em gái xinh nào để ý tới.
Cũng vì Minh Trí không phải là... Tây. Anh Trí lại đứng tuổi quá rồi.
3. Gần đây, có phóng sự “đặc tả” cảnh quý bà sồn sồn tìm của lạ “trai bao” Tây ở thành phố Hồ Chí Minh. Thường đấy là những gã thanh niên thất nghiệp đến Việt Nam theo con đường du lịch, nhưng sau đó có muôn ngàn lý do để đã chọn “nghề” trai bao và lấy đó làm nghề tạo thu nhập chính nuôi bản thân và đôi khi bao cả những cô vợ hờ. Có nhiều giải thích nhưng tựu trung đa số khách quen của “trai bao” Tây đều là những quý bà độc thân, ngấy của nội và sính của ngoại.
Họ lý giải của ngoại vừa “lạ” vừa “độc”!
Đấy cũng là bệnh sính ngoại. Đã sính ngoại thái quá dĩ nhiên cũng dễ kéo theo tâm lý bài nội thái quá.
4. Bóng đá Việt Nam có sính ngoại không? Hỏi thế bằng thừa. Không sính ngoại sao thành tích các đội bóng hiện nay đều thở bằng mũi ngoại binh. Cả làng thi nhau nhập tịch cầu thủ ngoại. Lực lượng cầu thủ ngoại, chỉ chiếm 1/4 số lượng cầu thủ đá chính, nhưng lại chiếm tới một nửa số tiền để trả lương cho cầu thủ nói chung hàng năm. Các tiền đạo lẫn thủ môn nội bị đồng nghiệp ngoại lấn lướt, khiến bài toán ghi bàn và ai sẽ “gác đền” luôn làm đau đầu người hâm mộ trước các giải đấu lớn.
18 năm, 8 huấn luyện viên ngoại | ||
HLV | Thành tích | Nhiệm kỳ |
Edson Tavares | Không | 1995-1995 |
K.H.Weigang | HCB SG 1995 | 1995-1997 |
Colin Murphy | HCĐ SG 1997 | 1997-1997 |
Alfred Riedl | HCB SG 1999 | 1998-2000, 2003, 2005-2007 |
Edson Silva Dido | Vòng bảng SG 2001 | 2001 |
Christian Letard | Không | 2002 |
Henrique Calisto | VĐ AFF Cup, HCB SG 2009 | 2002, 2008-2011 |
Falko Goetz | Hạng 4 SG 2011 | 2011 |
Cầu thủ ngoại coi sân cỏ ta là cái mỏ vàng để tận thu, là thiên đường đổi đời. Nhiều anh trình độ làng nhàng, xuất thân vị trí thấp, nhưng sang đây thành ông tướng, lạ chỗ là rất nhanh học được những trò mèo. Thế nên huấn luyện viên Lê Thụy Hải từng ngao ngán: “Một thằng Tây quái bằng ba thằng ta cộng lại”.
Ở cấp độ vĩ mô, bóng đá Việt Nam cũng cực kỳ sính ngoại. Chẳng thế mà chỉ gần 2 thập kỷ chúng ta sử dụng đến 8 huấn luyện viên ngoại, trong đó có ông làm đến mấy lần. Đa số dùng huấn luyện viên Tây đều phục vụ thành tích trước mắt, do đó bóng đá ta luôn trong tình trạng thiếu kế thừa, bản sắc không rõ ràng trong lối chơi, cá tính. Tóm lại, dù trả giá nhiều, trong đó có cả tiền bạc, bóng đá Việt Nam vẫn chưa tận dụng được triệt để chất xám của huấn luyện viên ngoại.
Sính ngoại, các huấn luyện viên nội luôn bị đối xử không tương xứng, từ lương, thưởng đến sự trân trọng. Đấy mới là điều gây tổn thương nhất với huấn luyện viên nội. Bằng chứng, chẳng mấy ai mặn mà lên tuyển, trừ những người đang ngồi chơi xơi nước. Lý do, các huấn luyện viên có tài thường nắm giữ những đội bóng tên tuổi. Ở đó, họ vừa có tiếng, có cả “miếng”. Quan trọng nhất, nhận được sự tôn trọng của các ông chủ.
5. Bỗng dưng huấn luyện viên nội lên giá khi đã là sự lựa chọn số 1 dẫn dắt hai đội tuyển quốc gia, cũng nên “cảnh giác” kẻo đánh mất sự tỉnh táo. Căn bệnh sính Tây không dễ bỏ một sớm một chiều. Mặt khác, kể cả cấp CLB, sử dụng thầy ngoại lâu nay để chối bỏ trách nhiệm khi thành tích đội bóng bê bết, đấy là bảo bối, đã thành cái nếp.

Nhưng phát huy nội lực không có nghĩa là bài ngoại quá. Nói như giáo sư Trần Văn Khê về đón nhận âm nhạc ngoại: “Cứ chơi với khách nhưng phải có tâm thế người chủ rõ ràng. Không thể cho khách ở lì trong nhà. Họ phải ở phòng khách... Tiếp thu tinh túy ngoại lai chỉ nên hiểu như ăn ớt, uống rượu. Còn âm nhạc dân tộc là cơm, là nước, không gì có thể thay thế. Đấy là ý nghĩa trường tồn của âm nhạc dân tộc”.
Đời sống bóng đá nước nhà đã thay đổi nhiều thứ, trong đó huấn luyện viên nội thừa sức đáp ứng vai trò dẫn dắt các giải đấu trong khu vực. Vấn đề là cơ quan quản lý phải tôn trọng, tạo mọi điều kiện để họ phát triển. Như thế mới kích thích được khát khao cống hiến cho các đội tuyển quốc gia của thầy nội. Họ không còn mang nặng mặc cảm lên tuyển như là được ban ơn, tâm trạng người thừa “xách nước, bơm bóng” hoặc đơn giản là “chữa cháy”.
Chúng ta cũng không bị giới hạn về tiền bạc để trả cho huấn luyện viên ngoại giỏi. Do đó, đã đến lúc chọn ông thầy nào thì phải đàng hoàng, đẳng cấp thực sự. Nếu trình độ “nửa nạc, nửa mỡ”, thì chẳng khác gì cái anh sinh viên Tây kia, nổi tiếng chỉ nhờ cái mác... Tây!
Ngọc Hòa
Thethaovanhoa.vn