
Nhưng thiếu những số phận nghiệt ngã đó, bóng đá sẽ chẳng còn là gì…
1. Chung kết Cúp Scotland năm 1883, Dumbarton đánh bại Vale of Leven ở trận chung kết với bàn thắng quyết định của tiền đạo James McAuley. Thành tích đó đưa ông trở thành một trong những tiền đạo hàng đầu Scotland. Nhưng chẳng bao lâu sau đó, trong một trận đấu ở giải VĐQG, thủ môn John “Diver” Kennedy chấn thương, McAuley bất đắc dĩ về đứng trong khung gỗ và trở thành người hùng của Dumbarton. Kể từ đó, McAuley vĩnh viễn từ bỏ vị trí tiền đạo và lừng lẫy với biệt danh “Hoàng tử trong khung thành”.
Năm 1959, huyền thoại Gordon Banks xuất hiện một cách đầy bất ngờ, khi ông được thay thế Dave McLaren trong trận Leicester gặp Blackpool. Năm 1990, Sergio Goycochea từ băng ghế dự bị xuất hiện như một vị thánh đưa Argentina vào chung kết World Cup…

Hồi giữa tuần, Liverpool phải thi đấu với thủ môn số hai rồi số ba khi Reina bị treo giò. Và họ được cứu thoát khỏi một thất bại, không phải bởi Doni (thủ môn số hai) mà bởi Brad Jones, thủ môn số ba, người từng suýt giải nghệ vì cú sốc tinh thần (mất đứa con trai 5 tuổi vì bệnh bạch cầu) và cũng vì cơ hội được thi đấu gần như không có. Ngay trong tình huống đầu tiên, Jones đã cản phá quả penalty của Yakubu. Cùng hàng loạt pha cản phá ngoạn mục, lập tức vị trí số một được trao cho Jones. Một giấc mơ tưởng như không bao giờ xảy ra đã trở thành hiện thực…
Thời nào cũng thế, người hùng luôn chỉ xuất hiện trong những hoàn cảnh éo le. Có lẽ, may mắn đó chỉ có thể giải thích bởi sự sắp đặt ngẫu nhiên của định mệnh!
2. Salvatore Schillaci trở thành Vua phá lưới World Cup 1990 nhưng sau đó mất tích. Oleg Salenko là Vua phá lưới World Cup 1994 cũng chẳng làm ai nhớ. Còn ai nhớ Henrik Larsen, T.Brolin là Vua phá lưới EURO 1992? Nhưng hàng chục năm trôi qua, cả thế giới vẫn phải nhắc tới Goycochea, Banks, McAuley, Fillol… như những người làm thay đổi cuộc chơi, dù họ chỉ là thủ môn dự bị, vị trí mà cơ hội ra sân cực kỳ mong manh.
Viện nghiên cứu thể thao của Anh đã nghiên cứu ở 1.000 CLB châu Âu và cho kết quả về tỷ lệ thủ môn như sau: cứ 100 cầu thủ trẻ ở các lò đào tạo mới có 1 đến 2 thủ môn. Cứ 1.000 thủ môn mới có 6 người được thi đấu chính thức ở một đội bóng chuyên nghiệp. Cứ 1.000 thủ môn dự bị mới có 2 người có cơ hội ra sân. Tỷ lệ này thấp hơn 1.235 lần so với một cầu thủ thi đấu ở các vị trí khác. Lý thuyết là thế, nhưng thực tế chứng minh: các thủ môn dự bị lại dễ nổi tiếng hơn cầu thủ dự bị khác!

3. Thủ môn gần như là một nửa đội bóng. Điều đó không cần phải bàn cãi. Kỷ nguyên bóng đá hiện đại, ở bất kỳ môi trường nào, các đội bóng vô địch đều phải cần những thủ môn giỏi. Thậm chí cần hơn cả những tiền đạo tầm cỡ. ĐT Anh vô địch World Cup 1966, người ta nhớ đến Gordon Banks nhiều hơn B.Moore, Charlton hay Hurst. Italia vô địch thế giới có Buffon, D.Zoff… Đức vô địch World Cup, EURO với những Maier, Illgner, Kahn. Thậm chí khi Brazil đăng quang World Cup 2002, thủ thành Kahn (ĐT Đức) mới là người xuất sắc nhất, hơn cả Ronaldo “béo”.
Trong mỗi trận đấu, bất kỳ vị trí nào cũng có thể không cần người dự bị, nhưng dứt khoát phải có thủ môn dự bị dù cơ hội để họ ra sân vô cùng ít ỏi. Nhưng sự “nghiệt ngã” của thủ môn lại nằm ở đó. Một cầu thủ dự bị nào đó có thể bừng sáng khi được vào thay người, nhưng anh ta có thể bị quên lãng ngay lập tức. Nhưng thủ môn có thể đặt dấu ấn, trở thành người cứu tinh cho số phận cả đội bóng chỉ trong vài phút xuất hiện. Vì thế mới có chuyện, rất nhiều huyền thoại khung gỗ đã xuất hiện trong một khoảnh khắc run rủi của định mệnh.
Có lẽ, bởi họ là những người có số phận nghiệt ngã…
Bongdaplus.vn