1.Các nhà khoa học Scotland từng đưa ra một văn bản cổ (từ thế kỷ 17) khẳng định chính Scotland mới là quê hương của bóng đá hiện đại chứ không phải nước Anh. Văn bản ấy nói rằng người Scot đã sáng tạo ra thủ môn, vị trí quan trọng nhất để phân biệt bóng đá hiện đại với các môn thể thao cổ đại dùng quả bóng tròn.
Chuyện ấy chưa ai kiểm chứng được, nhưng dẫu sao cho đến giờ Scotland vẫn có 1 phiếu trong Hội đồng bóng đá thế giới, cơ quan lập pháp tối cao của môn thể thao này (FIFA có 4 phiếu, 4 nước Vương quốc Anh có 4 phiếu). Nghĩa là họ vẫn thuộc hàng “khai tông lập phái”.
Lịch sử đã ghi nhận Scotland như những người khai sinh ra bóng đá. Và một lần nữa, nơi đây có thể trở thành chứng nhân cho một giai đoạn lịch sử mới của bóng đá châu Âu: giai đoạn sụp đổ liên hoàn.
Bóng đá Scotland, trong hình bóng của Celtic và Rangers có thể trở thành ví dụ tiêu biểu nhất cho sự chấm dứt của thời đại kim tiền. Họ đã từng là những đại gia, nhưng giờ là những kẻ khố rách áo ôm. Chỉ bởi họ đã vận hành theo đúng cái cách mà gần như toàn bộ châu Âu đang vận hành.
2. Không biết có độc giả nào đã từng thắc mắc các đội bóng xứ này sống bằng gì hay chưa. Nói ra thì ghê người: giá trị BQTH của cả giải Ngoại hạng Scotland mỗi mùa là 13 triệu bảng, bằng doanh thu từ truyền hình của đội xuống hạng ở Premiership và 2 CLB cuối bảng La Liga cộng lại.
Từ mấy năm nay, chuyện lỗ lãi của Celtic và Rangers, hai thương hiệu lớn nhất của bóng đá Scotland phụ thuộc cả vào đấu trường châu Âu. Champions League năm ngoái, Celtic chỉ vào đến vòng loại thứ ba: lỗ 1 triệu bảng. Rangers vào đến vòng bảng: lãi 4,2 triệu bảng.
Thế nên cái lệnh cấm thi đấu với Sion, đối thủ đã loại Celtic ở vòng trước với đội bóng Scotland quý hơn vàng. Nó cho phép Celtic được dự vòng bảng Europa League. Nó cho họ cơ hội cứu vãn một mùa giải thua lỗ nữa.
Cơ hội ấy cũng mong manh. Năm ngoái, Porto vô địch Europa League đã kiếm được gần 10 triệu euro, còn Rangers kiếm được tới 18,5 triệu euro từ việc dự vòng bảng Champions League. Không Champions League là chết. Europa League chỉ là miếng xốp mỏng ném xuống cho kẻ sắp chết đuối giữa biển khơi.
3. Họ đã từng giàu có, mới chỉ nửa thập kỷ trước thôi, Celtic và Rangers còn nằm trong Top 20 CLB kiếm tiền nhiều nhất châu Âu. Nhưng mọi thứ đã sụp xuống quá nhanh.
Bóng đá Scotland cũng chẳng làm gì nên tội. Họ chỉ làm theo số đông thôi: đầu tư mạnh vào thị trường cầu thủ, chi rất nhiều cho chuyển nhượng và khiến quỹ lương phình to. Tính từ năm 1998 đến nay, tổng thu nhập của họ tăng 7 lần thì quỹ lương tăng 11 lần, tiền mua sắm thì nhiều không kể xiết.
Premiership đang làm thế, Serie A đang làm thế, La Liga cũng đang làm thế. Tất cả đều nợ, và hy vọng rằng tiếp tục lao vào chơi bạc tất tay thì sẽ có ngày thu lại được cả vốn lẫn lời. Thị trường Scotland nhỏ hơn, nhạy cảm hơn nên đã sụp đổ đầu tiên. Và cái ngày mà những nền bóng đá kia theo bước giải Scotland đang được dự đoán là không xa.
Người ta hay dùng hình ảnh “Người Mohican cuối cùng” để chỉ những đại diện cuối của một tập hợp đã diệt vong. Thế thì bóng đá Scotland phải là “Người Mohican đầu tiên”, đại diện đầu tiên của một nhóm sắp đến ngày tận diệt.
Chỉ hy vọng rằng mấy trăm năm nữa, không có văn bản cổ nào dùng khái niệm xã hội học “Sự sụp đổ kiểu Scotland” để mô tả bóng đá châu Âu trong thập kỷ sau.
Bongdaplus.vn