1.Những người đã xem A Few Good Man (Còn vài người tốt), một tác phẩm điện ảnh kinh điển có sự góp mặt của Jack Nicholson và Tom Cruise hẳn sẽ nhớ một đoạn đối thoại. Đó là khi chàng luật sư do Cruise thủ vai đanh thép tuyên bố với vị đại tá thủy quân lục chiến trong phiên tòa rằng: “Tôi muốn sự thật”. Còn vị đại tá do Nicholson mỉa mai: “Anh không thể chịu nổi sự thật đâu. Sự hiện diện của tôi dù có ghê tởm và khó hiểu với anh, nhưng cứu được mạng sống của nhiều người”.
Ý của vị đại tá ấy là dù ông ta có thể làm những việc sai trái trên quan điểm đạo đức (hy sinh mạng sống binh sỹ), việc đó cũng phục vụ cho một đại cục lớn lao hơn. Sự thật đáng được tôn trọng, nhưng không phải lúc nào cũng đáng được phục tùng.
Cuộc sống có rất nhiều sự hiện diện “ghê tởm và khó hiểu” với nhiều người, nhưng lại mang lại những lợi ích vĩ mô. Như là vị đại tá tàn nhẫn của Jack Nicholson. Như là Man City của bóng đá.
Man City không phù hợp với những giá trị đạo đức bóng đá truyền thống. Cách mà tỷ phú Sheikh Mansour đang xây dựng đội bóng này đi ngược lại với tiêu chí của thể thao. Gần như không có sự nỗ lực, không có sự kiên trì, có rất ít mồ hôi và nước mắt.
Nhưng sự xuất hiện của họ tại Champions League đêm nay, cứu vãn được nhiều điều cho bóng đá châu Âu.
2.Tổng doanh thu của 4 giải VĐQG hàng đầu châu Âu (Premiership, La Liga, Bundesliga và Serie A) trong 3 năm qua ở mức xấp xỉ 20 tỷ euro. Nghĩa là các hãng truyền hình, NHM và các nhà tài trợ đã ném vào thị trường này 20 tỷ euro. Số tiền này được phân phối qua lại lẫn nhau trong số các giải lớn qua chuyển nhượng, trả lương cho cầu thủ, và tất nhiên là đưa đến các thị trường nhỏ hơn ở Nam Mỹ, châu Á và châu Phi, nơi cung cấp tài năng trẻ cho châu Âu.
Và một mình Sheikh Mansour với số tiền ông đầu tư vào Man City (khả năng là cho không) trong cùng thời gian đã lên tới hơn 1 tỷ euro. Nghĩa là riêng ông đã “cho” bóng đá châu Âu 1/20 tổng giá trị thị trường. Một mình Man City “kiếm được” 1/20 số tiền mà 80 CLB lớn làm ra trong 3 năm.
Số tiền này, như đã nói, không chỉ đi vào túi những người như Carlos Tevez hay Roberto Mancini. Đồng tiền sẽ di chuyển như thế này: Man City bỏ ra 22 triệu để mua Koralov từ Lazio. Lazio sau đó ném vào Argentina, Uruguay và Brazil con số 17 triệu euro để đem về 3 cầu thủ (Pintos, Hernanes, Alvaro). Từng ấy tiền có thể được tiếp tục sử dụng để đào tạo ra bao nhiêu tài năng trẻ ở những nước xuất khẩu này? Không thể nói được.
3.Không thể nói rằng không có Man City thì bóng đá châu Âu không vận hành. Nhưng 1/20 rõ ràng là một tỷ lệ quá lớn. Và 1 tỷ euro mà Sheikh Mansour ném vào bóng đá thông qua Man City rõ ràng là một kích thích tố không nhỏ cho sự vận hành của thị trường này, và góp phần giữ nó đứng vững trước cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Đó không chỉ là chuyện của Man City, mà là lợi ích của bóng đá thế giới khi có bất kỳ nhà tỷ phú nào muốn chơi bóng đá. Đồng tiền chảy vào bóng đá không bao giờ là thừa, nó sẽ chạy vòng quanh thế giới và mang lại những lợi ích vi mô khó ngờ tới.
Đó là một sự tồn tại mà nhiều người có thể ghê tởm và phi lý. Nhưng sự hiện diện của họ không hoàn toàn là một sự phản bội thể thao, thậm chí còn ngược lại.
Khó chịu, nhưng đó là sự thật!
Bongdaplus.vn