
1. Người thua cuộc sẽ dễ tìm ra điểm yếu của mình hơn. Tâm lý tự kiểm điểm đã xuất hiện ngay từ lúc thất bại. Chưa kể là trong thời đại thông tin này, giới truyền thông “diều hâu” sẽ giúp họ moi móc ra những khuyết điểm khó nhìn thấy nhất.
Kẻ thắng cuộc rất khó mang tâm lý tự cải thiện. Tại sao phải tiến bộ khi đã đứng ở vị trí cao nhất? Sự tự mãn nhanh chóng hình thành. Cũng nhờ giới truyền thông, họ đắm chìm trong những mỹ từ tán tụng. Ngôi cao mang đến áp lực phải chiến thắng, nhưng lại không cho người ta cơ sở quan trọng nhất của chiến thắng là sự tự kiểm điểm.
Bóng đá châu Âu những năm đầu thế kỷ 21 còn mang một đặc điểm thú vị nữa cổ xúy cho những phân tích kể trên: người quyết định việc “kiểm điểm” một CLB không phải là những HLV tinh anh, hiểu rõ về bóng đá. Đó là những ông chủ hầu như đặt lợi ích kinh tế lên hàng đầu.
2. Trong kỳ chuyển nhượng mùa Hè năm 2011, tổng bội chi (mua trừ bán) cho chuyển nhượng của các nhà vô địch Barca, Lille, Man United và AC Milan là 75 triệu euro, nghĩa là trung bình chưa đến 20 triệu euro/CLB. Cũng trong thời gian đó, những kẻ phế truất họ 1 năm sau, đã tiêu tổng cộng 209 triệu euro.
Real Madrid tiêu nhiều gấp 4 lần Barcelona, Man City tiêu gấp rưỡi Man United, còn Juventus cũng bội chi gấp 2,5 lần Milan. Montpellier (đội đang có 90% khả năng đăng quang ở Pháp) không tiêu tiền, theo phong cách làm bóng đá của người Pháp. Nhưng họ vẫn hơn nhà vô địch nếu xét trên khía cạnh này: cựu vô địch Lille thu về 15 triệu euro từ việc bán cầu thủ, nghĩa là có thể nói tạo ra một giá trị “âm” trong đội hình mùa trước.
Giá trị của môn thể thao này không nằm ở số tiền ném ra trên TTCN. Nhưng nó là thước đo quan trọng cho quyết tâm của một CLB trong bước đường chinh phục. Và không thể phủ nhận số tiền đầu tư phản ánh phần nào sức mạnh của một đội hình (quy đổi chất lượng hàng hóa ra thành giá cả vốn là một đặc tính quan trọng của khái niệm “thị trường”).
Làm bóng đá bằng tiền không phải là một cách làm cần được cổ vũ. Nhưng khả năng và mong muốn đầu tư cũng là một phần của cuộc chơi.
Những kẻ thất bại tiêu nhiều tiền hơn vì họ khát khao hơn. Còn những nhà vô địch, họ tin rằng mình đã có sự ổn định. Nhưng số 1 mùa này không thể là số 1 của mùa trước, khi số 2 (Real Madrid) hay thậm chí số 7 (Juventus) của mùa trước đã thay đổi.
3. Bóng đá châu Âu vừa trải qua một mùa giải thú vị, khi trong 5 giải VĐQG hàng đầu chỉ mình Dortmund bảo vệ được chức vô địch. Một làn gió mới đã được tạo ra từ quyết tâm đầu tư của những kẻ chiến bại.
Nhưng nếu tiếp tục sử dụng logic “kẻ thắng gặp bất lợi” để soi xét những tân vương của bóng đá châu Âu, sẽ nhận ra rằng họ cũng phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Juventus vô địch đấy, nhưng chỉ bằng một đội hình không gặp chấn thương quan trọng nào trong cả mùa, Man City vô địch đấy, nhưng hút chết vào những phút cuối, và Real Madrid cũng đã phải trải qua một cuộc chiến cam go với Barca… Và tất nhiên, những cựu vương mất ngôi mùa này sẽ làm theo cách kẻ tiếm ngôi đã làm mùa trước: nâng cấp đội hình.
Mùa giải này chưa kết thúc. Nó mở đường cho một cuộc chiến khốc liệt sẽ diễn ra ngay vài ngày nữa, khi TTCN mở cửa trở lại.
Bongdaplus.vn