Đội vô địch Europa League dự Champions League: Lợi hay hại?
Tổng thư ký UEFA, Gianni Infantino, giải thích về sự ra đời của luật mới: “Champions League là giải đấu hay nhất nên không cần phải thay đổi gì nữa. Nhưng với Europa League, chúng ta bắt buộc phải làm điều gì đó”. Quy định mới được thông qua sau cuộc họp của Ủy ban thường trực UEFA vào chiều qua (24/5). Kể từ mùa giải 2015/16, đội vô địch Europa League (2014/15) sẽ có vé tới Champions League.
Ý đồ của UEFA rất rõ ràng: tăng tính hấp dẫn cho Europa League bằng phần thưởng béo bở mà bất kỳ đội bóng nào ở châu Âu cũng thèm muốn. Chiếc vé dự Champions League sẽ là liều thuốc kích thích các đội bóng thi đấu quyết tâm hơn, máu lửa hơn tại giải đấu vốn bị xem thường này. Vì tham vọng Champions League, Chelsea hay Liverpool sẽ không cất các trụ cột mỗi khi phải đá Europa League.
Tuy nhiên, vẫn tồn tại mặt trái trong cuộc cách tân của UEFA. Thứ nhất, Europa League sẽ mất luôn đại diện ưu tú nhất tại mùa giải sau. Sức hấp dẫn sẽ bị giảm sút, ảnh hưởng tiêu cực tới sự quan tâm của khán giả. Ngay như Europa League mùa sau không còn Chelsea (hạng 3 tại Premier League) là đã thấy kém tiếng đi hẳn. Các khoản tài trợ cho Europa League cũng có nguy cơ sụt giảm vì thiếu sức thu hút từ nhà vô địch mùa trước.
Nếu mùa sau không có Chelsea, Europa League mất đi phần nào tính hấp dẫn
Một điều bất cập khác là quy định mới của UEFA sẽ phá vỡ cơ cấu tham dự Champions League của các quốc gia. Hiện một quốc gia có tối đa 4 đội tham dự, nhưng nếu thêm đội vô địch Europa League thì sẽ thành 5. Điều này đồng nghĩa với việc UEFA phải rút bớt một suất từ quốc gia khác, dẫn tới sự xáo trộn không nhỏ trong cách thức phân phối suất tham dự Champions League. Phải cần những tính toán khoa học, hợp lý và công bằng để giải bài toàn này. Có lẽ vì thế mà UEFA chọn thời điểm năm 2015 mới thực hiện quy định mới. Vẫn còn 2 năm để họ kiện toàn cách thức phân phối mới tại Champions League.
Từ trước tới nay, những cuộc cách tân của UEFA luôn có hai mặt tích cực và tiêu cực. Champions League đã được mở rộng, tiền BQTH nhiều hơn, thưởng lớn hơn, nhưng chất lượng chuyên môn loãng hơn. Cúp C2 được sáp nhập vào Cúp C3 từ năm 1998 khiến UEFA Cup (và bây giờ là Europa League) càng giống cảnh chợ chiều. Và bây giờ thì UEFA lại cứu Europa League bằng cách cắt một suất Champions League. Nhưng cứu được hay không thì chưa ai dám chắc.
Đặt trường hợp quy định mới của UEFA đã được thực hiện từ 10 năm qua, chúng ta sẽ thấy một hiện tượng thú vị. Số lần các đội vô địch UEFA Cup/Europa League được lợi và không được lợi là ngang nhau (5-5). Cụ thể, Atletico Madrid (vô địch Europa League 2012 và 2010), Shakhtar Donetsk (2009), Sevilla (2006) và CSKA Moscow (2005) có vé tới Champions League cho dù năm đó họ không giành vé trên BXH giải quốc nội. Trong khi, Chelsea (2013), Porto (2011), Zenit (2008), Sevilla (2007) và Valencia (2004) có vé tới Champions League nhờ vị trí cao trên BXH giải quốc nội chứ không cần đến món quà từ UEFA.