Giải thích sự lên ngôi của sơ đồ 4-2-3-1
Euro 2012 là nơi mà đội hình này ở đỉnh cao: một nửa các đội tham dự giải sử dụng nó, bao gồm chủ nhà Ba Lan và đội vào bán kết Đức. Ở cấp độ đội tuyển, sự phổ biến của 4-2-3-1 là dễ giải thích hơn: vai trò của các cầu thủ được định nghĩa rõ ràng, do họ ít có thời gian tập với nhau. Tiền vệ, cầu thủ chạy cánh, hậu vệ và tiền đạo đều biết công việc của mình, khiến 4-2-3-1 là đội hình dễ áp dụng.
Nhưng ở cấp độ CLB, nơi các HLV có rất nhiều lựa chọn và thời gian với đội bóng, họ vẫn sử dụng đội hình này, trước hết bởi nó rất đa dạng.
Ví dụ đầu tiên là đội hình của CLB đang được ca ngợi nhiều nhất hiện nay Borussia Dortmund, đội đã thắp sáng Champions League mùa này và bất bại cho tới trận bán kết lượt về ở Bernabeu. Đội hình 4-2-3-1 của HLV Juergen Klopp nổi bật bởi tốc độ, lối chơi cuốn hút và sự hiệu quả trong ghi bàn. Họ cầm bóng nhiều nhờ tiền vệ tổ chức Ilkay Gundogan, phòng ngự chặt chẽ với sự chỉ huy của Mats Hummels và phản công tốc độ cao qua Marco Reus.
Các cầu thủ chạy cánh cũng được bố trí để kết nối hoàn hảo với tiền đạo, trong khi các tiền vệ trụ là những người toàn diện: Sven Bender và Gundogan. Jakub Blaszczykowski chơi theo kiểu ăn no vác nặng bên cánh phải trong khi Mario Goetze mang tới những điều kỳ diệu ở vị trí số 10. Sự trơn tru và tốc độ mà BVB thể hiện từng giúp họ đè bẹp Real Madrid, nhưng đội bóng áo vàng không phải là người duy nhất thành công với 4-2-3-1.
Malaga, đối thủ của BVB ở tứ kết, cũng đã chơi rất hay mùa này nhờ đội hình đó. HLV Manuel Pellegrini đã xây dựng một trong những hàng thủ hiệu quả nhất châu Âu dựa trên trung vệ Martin Demichelis. Los Boquerones giữ sạch lưới 10 trong 18 trận đầu của họ ở La Liga và trải qua 3 trận đầu ở Champions League không thua một bàn nào. Tuy nhiên, 4-2-3-1 của Pellegrini rất khác của Klopp, thể hiện rõ qua trận hòa 0-0 lượt đi tứ kết Champions League tại La Roselada.
Ignacio Camacho và Jeremy Toulalan tạo thành bộ đôi tiền vệ trụ vững chắc, lùi sâu và chủ yếu bảo vệ cho hàng thủ. Camacho đã sử dụng thể lực áp đảo để khống chế thành công Goetze lẫn Reus. Tiền vệ kiến tạo chủ chốt của họ Isco thường chơi dạt trái, nơi anh có nhiều cơ hội khiến hàng thủ đối phương bị bất ngờ với những pha di chuyển vào trung lộ và tiếp cận rất gần tiền đạo đá cắm Julio Baptista. Không xây dựng lối chơi trơn tru như Dortmund, thế trận tấn công của Malaga thận trọng và có phương pháp hơn, với 5 người tham gia tấn công và cả 2 tiền vệ phòng ngự chơi rất cẩn trọng.
Một ví dụ khác của biến thể 4-2-3-1 là Manchester City. Không như cả Dortmund và Malaga, Man xanh không có những tiền vệ cánh đích thực. Các cầu thủ “đá cánh” của HLV đã bị sa thải Roberto Mancini thường có khuynh hướng bó vào trong, trong khi “Kuba” của Klopp hay Isco của Pellegrini bám biên hơn. Cả Samir Nasri và David Silva xuất thân là những người kiến tạo ở trung lộ và kể cả khi được bố trí ở cánh, họ không bỏ thói quen cũ. Scott Sinclair, cầu thủ đá cánh đích thực duy nhất trong đội hình Man City, cả mùa này chủ yếu ngồi dự bị.
Còn 2 ví dụ nữa về biến thể 4-2-3-1 là Aston Villa của Paul Lambert và Real Madrid của Jose Mourinho, mà bạn có thể tự tìm hiểu và chỉ ra sự khác biệt xem sao.