
Chuyên gia Nhật Bản Kazuyoshi Tanabe: “Các CLB đừng phụ thuộc vào một nhà tài trợ!”
PV: Trước tiên, xin ông cho biết lý do nào khiến ông quyết định đến Việt Nam làm việc?
- Ông Kazuyoshi Tanabe: Việt Nam là một đất nước trẻ, năng động. Người dân thì đam mê bóng đá mãnh liệt. Tôi chọn nơi đây không phải vì hiện tại mà cho tương lai, 5-10 năm nữa. Tôi muốn có cơ hội để hợp tác với các đối tác tại Việt Nam.
Ông dự định gắn bó với VPF trong bao lâu và điều kiện đặt ra của ông với VPF là như thế nào?
- Chúng tôi chưa xác định thời gian nhưng tôi muốn mình sẽ nói thông thạo được tiếng Việt trong 3 năm nữa. Điều kiện thương thảo chỉ là những chi tiết nhỏ trong hợp đồng. Mục đích của sự hợp tác giữa hai bên là làm sao để giúp cho V-League hấp dẫn, khán giả đến sân đông hơn, và nhà tài trợ cảm thấy thỏa mãn khi bỏ tiền đầu tư vào bóng đá.
Cảm nhận của ông như thế nào sau chuyến khảo sát cơ sở vật chất ở Long An và Trung tâm Thành Long?
- Tôi mới đến sân Long An xem trận đấu giữa ĐT.LA và CS.ĐT (CS.ĐT thắng 4-2, giao hữu chiều 19/1-PV). Thoạt tiên tôi nghĩ, các sân bóng đá ở Việt Nam cần phải cải thiện nhiều. Nhưng khi đến Trung tâm Thành Long (TP.HCM) tôi lại có cảm nhận khác, có lẽ tôi chưa nắm bắt được hết nên nhận xét chủ quan. Tôi hy vọng, Việt Nam có nhiều cơ sở tốt như Thành Long để phát triển bóng đá trẻ.
Ông đánh giá thế nào về chuyên môn của các đội bóng Việt Nam khi xem trận giao hữu giữa ĐT.LA - CS.ĐT và 2 đội trẻ PVF - ĐT.LA?
- Cầu thủ trẻ của PVF và ngay cả lực lượng của ĐT.LA, CS.ĐT ở trận giao hữu trên sân Long An đều có tố chất để phát triển. Tôi đã xem trận đấu giữa đội trẻ PVF với U16 Thái Lan vào năm ngoái và thành thật mà nói, PVF chẳng kém cạnh. Thậm chí, nhiều cầu thủ của PVF còn vượt trội so với lực lượng ở U16 Thái Lan. Tôi cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể vượt mặt Thái Lan và vươn tầm châu lục nếu có quá trình đầu tư và phát triển hợp lý.
MỘT CLB CẦN CÓ NHIỀU NHÀ TÀI TRỢ CHUNG SỨC
Mục đích của VPF mời ông sang Việt Nam là để tham gia điều hành các giải chuyên nghiệp. Vậy ông đã nắm bắt được những gì về tình hình của bóng đá Việt Nam ở tầm CLB những năm qua?
- Sẽ là chủ quan, cảm tính nếu tôi nói là đã hiểu rõ. Lúc này, tôi chỉ biết một số thông tin cơ bản qua một số người bạn, chuyên gia bóng đá và giới truyền thông Việt Nam. Nói chung, tôi đã tìm hiểu lịch sử V-League, cũng như một số CLB có thành tích tốt trong những năm qua. Nhưng phải khẳng định rằng, nếu muốn làm việc hiệu quả và vì sự phát triển của bóng đá Việt Nam thì chúng ta cần phải nói thật, nhận xét thẳng với nhau về những điểm mạnh, yếu để từ đó có những chính sách, kế hoạch phù hợp nhất.
Khó khăn về kinh tế khiến nhiều CLB ở V-League và hạng Nhất phải giải tán. Theo kinh nghiệm của ông thì phải làm gì để các CLB tránh rơi vào tình cảnh ấy?
- Với kinh nghiệm 20 năm làm bóng đá ở Nhật Bản, tôi có lời khuyên chân thành, các CLB không nên phụ thuộc quá vào một nhà tài trợ. Ở Nhật, mỗi đội bóng đều có 5-6 doanh nghiệp đứng sau lưng. Nếu một doanh nghiệp rơi vào khủng hoảng, khó khăn về tài chính thì còn 4-5 doanh nghiệp khác đứng ra lo liệu. Hơn nữa, việc giữ tên CLB cũng rất quan trọng. Mọi thứ có thể thay đổi, chứ tên CLB phải nên bất di bất dịch. Bởi nó mang tính đại diện cho một địa phương. Một khi CLB đại diện cho địa phương thì cần có sự ủng hộ, góp sức về mặt tài chính của địa phương đó. Tôi cũng xin nói thêm rằng, bóng đá chỉ phát triển bền vững khi khán giả đến sân đông, chơi trung thực, biết tôn trọng khán giả. Tôi đánh giá cao lối đá đẹp, hay và cống hiến.
Bóng đá Nhật Bản phát triển rất nhanh. Theo ông, điều gì đáng để bóng đá Việt Nam học tập?
- Mỗi nước có lịch sử phát triển khác nhau. Bóng đá gắn liền với sự phát triển của xã hội. Tôi không dám nói nên học cái gì mà chỉ hy vọng, mọi người đoàn kết, chung sức để phát triển BĐVN. Các bạn coi sự đi lên của bóng đá Nhật là kỳ tích. Nhưng đôi khi đó là một bài học để nước đi sau rút ra những kinh nghiệm để phát triển nhanh, mạnh hơn. Biết đâu đến một lúc nào đó, Nhật Bản lại học Việt Nam trong lĩnh vực bóng đá.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!