
Quan điểm: Sơ đồ 4-2-3-1 đã không còn hợp thời
Ngày càng có nhiều đội bóng ra sân với 2 tiền đạo ở Premier League, hoặc 3 tiền đạo ở Serie A. Tại Bundesliga, các cặp tiền đạo cũng đang có những dấu hiệu hồi sinh. Và khi nói rằng M.U chơi theo sơ đồ 4-2-3-1, giới hâm mộ vẫn khó nuốt trôi lập luận cho rằng Wayne Rooney bây giờ là một tiền vệ. Nhiều người vẫn chỉ quả quyết: Rooney và Van Persie là hai tiền đạo trong đội hình M.U. Tóm lại, 4-2-3-1 không còn là “mốt” thịnh hành đến mức độ tuyệt đối giống như cách đây vài năm.
Không phải ngẫu nhiên mà khi thống kê các sơ đồ đã xuất hiện trong mùa bóng này ở 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu, người ta thấy rằng sơ đồ 4-2-3-1 chỉ xuất hiện 4 lần trong 178 trường hợp tại Serie A. Bóng đá Italia là nền bóng đá số 1 thế giới về mặt chiến thuật. Đấy cũng là nơi mà các sơ đồ, chiến thuật xuất hiện một cách đa dạng nhất. Đã có 13 sơ đồ xuất hiện ở Serie A mùa này, và sơ đồ 4-2-3-1 đứng thứ 3... từ dưới đếm lên về số lần xuất hiện.

Bây giờ, giải Serie A đã xuống cấp nghiêm trọng về mặt tài chính, với hệ lụy tất yếu là các ngôi sao hàng đầu thế giới không tề tựu về nơi này nữa. Khi không còn những ngôi sao rực rỡ về tài năng, các đội bóng Italia lại càng đặt nặng vấn đề chiến thuật, hơn thua nhau chủ yếu ở sự rình rập, toan tính chứ không tranh chấp bằng tài năng nữa. Những nhược điểm cố hữu của sơ đồ 4-2-3-1 luôn bị khai thác đến mức triệt để và đấy là lý do vì sao sơ đồ 4-2-3-1 coi như đang tuyệt chủng ở Calcio - kinh đô chiến thuật của bóng đá đỉnh cao.
NHỮNG HẠN CHẾ CỦA 4-2-3-1
Về mặt lý thuyết, sơ đồ 4-2-3-1 chỉ gồm đúng một tiền đạo. Thế là Mario Balotelli, Edin Dzeko và Sergio Aguero trở nên uổng phí ở đội nhà giàu Manchester City (chỉ có một trong ba ngôi sao ấy ra sân). Bayern Munich có Mario Mandzukic và Mario Gomez để “xoay tua”, nhưng Claudio Pizarro và bất cứ tiền đạo nào khác đều hết hy vọng. Có 3 tiền đạo trở lên thì quá phí phạm, nhưng nếu CLB chỉ sử dụng 2 tiền đạo, điều gì sẽ xảy ra khi một người chấn thương, người kia sa sút phong độ? Chelsea cứ phải sử dụng Fernando Torres kể cả khi ai cũng thấy rõ tiền đạo này không có phong độ tốt, là vì vậy.
Một nhược điểm rõ ràng khác của sơ đồ 4-2-3-1 là khoảng cách giữa hậu vệ và tiền vệ cánh quá lớn, trong khi tiền vệ cánh lại công nhiều hơn thủ, thường lên ghi bàn hơn là lùi về hỗ trợ phòng ngự. Đấy là cả một tử huyệt lớn để đối phương tha hồ khai thác, tấn công nếu có tiền vệ thông minh. Lúc mới xuất hiện, lại đi kèm với các đội bóng lớn, nhược điểm này của sơ đồ 4-2-3-1 được che đậy kỹ, và nó ngày càng trở nên phổ biến nhờ những ưu điểm cũng rất rõ ràng (chẳng hạn, cặp tiền vệ trung tâm sẽ thắng “số 10” của đối phương. Chính sơ đồ 4-2-3-1 làm cho cầu thủ “số 10” gần như tuyệt chủng trong bóng đá đỉnh cao). Còn bây giờ, 4-2-3-1 đã trở thành một sơ đồ bình thường như bao sơ đồ khác, chẳng còn chỗ nào đặc sắc nữa.
Con gà hay quả trứng có trước?
Dân Anh chơi 4-4-2 suốt hàng chục năm vì họ không có tiền đạo cánh xuất sắc? Hay vì chỉ chơi 4-4-2 mà bóng đá Anh không sản sinh tiền đạo cánh ra hồn? Giới chuyên môn luôn tranh luận qua nhiều thế hệ với những câu hỏi đại khái như vậy. Sơ đồ 4-2-3-1 phất lên vì thế giới khi ấy không có nhiều “số 10” giỏi? Hay vì sơ đồ 4-2-3-1 trở nên phổ biến mà vai trò tiền vệ “số 10” bị bóp chết? Bóng đá hấp dẫn một phần nhờ những sự tranh luận bất tận như thế, cứ như “con gà hay quả trứng có trước”.
Từ kỷ nguyên Pele?
Tin hay không tùy bạn, nhưng HLV Mario Zagallo khẳng định: ông đã nhiều lần sử dụng sơ đồ 4-2-3-1 khi huấn luyện đội tuyển Brazil thời còn Pele. Cũng theo Zagallo, đội tuyển Brazil thời ấy xuất sắc không chỉ vì tài năng mà còn vì cách chơi quá lạ lẫm, đối phương không biết cách hóa giải!
Càng phải khâm phục sơ đồ 4-4-2
Chỉ khoảng chục năm sau khi bắt đầu phổ biến, sơ đồ 4-2-3-1 đã rơi vào chu kỳ đi xuống trong sự phát triển chiến thuật của bóng đá đỉnh cao. So với sơ đồ 4-4-2 thịnh hành từ giữa thập niên 1960 và trường tồn đến cuối thế kỷ 20, chúng ta thấy ngay khác biệt rõ ràng. Thậm chí bây giờ vẫn còn nhiều đội chơi 4-4-2. “Kỳ quan không tiền đạo cánh” mà huyền thoại Alf Ramsey sử dụng để đưa đội tuyển Anh lên ngôi vô địch World Cup 1966 thật đáng khâm phục.