Bia & bóng đá Anh: Mối "lương duyên" thế kỷ
"CHUYỆN TÌNH" TRĂM NĂM
Thứ Bảy ngày 22/4/1911, các CĐV Bradford City trên đường đến London cho trận chung kết Cúp FA đầu tiên của mình. Trên toa xe lửa, họ tọng đủ thứ bia loại không nhãn hiệu rồi quậy tưng bừng. Kết quả là một số CĐV thậm chí đã không thể đến dự trận cầu lịch sử ấy.
Thứ Bảy ngày 16/4/2011, gần 100 năm sau. Man City chạm trán với Man United tại trận bán kết Cúp FA. CĐV của 2 bên đã vào sân sau khi đã nốc bia trong suốt 7 giờ đồng hồ và tạo ra một cảnh tượng kinh khủng.
Đã thế FA còn có một bước đi vô cùng táo bạo: bán lại thương hiệu Cúp FA - giải đấu lâu đời nhất thế giới và là niềm tự hào của quê hương bóng đá - cho một hãng bia. Để thu về 24 triệu bảng Anh, người Anh đã phải gọi giải đấu này là "FA Cup với Budweiser". Bia và bóng đá, đấy quả là một mối lương duyên của... thế kỷ.
TỪ NHỮNG QUYẾT ĐỊNH "ĐỘC ĐÁO"
Trở về nước Anh của thế kỷ thứ 19. Là xứ lạnh, không lạ khi đàn ông tại đây uống rượu như một thói quen. Khi dính đến các môn thể thao, đặc biệt là những môn đánh đấm như quyền Anh, thì rượu càng làm tăng thêm sự hưng phấn.
Vì thế năm 1830 đạo luật cho phép bán bia rộng rãi trong quần chúng được ra đời với một lập luận hết sức "sáng tạo": cho dân uống bia nhiều thì họ sẽ bớt... uống rượu. Có ngờ đâu quyết định này chỉ càng làm cho tình hình thêm tồi tệ. Các quán rượu (tất nhiên là bán cả bia) mọc lên như nấm.
Những lãnh đạo tôn giáo, những nhà làm luật và những người tẩy chay thức uống có cồn muốn làm một điều gì đó để giảm sức tiêu thụ rượu bia trong công chúng. Câu trả lời của họ là... bóng đá.
Đấy cũng chính là nguồn gốc ra đời của giải vô địch Anh, tiền thân cho giải Premiership cực kỳ nổi tiếng như hiện nay. Vâng, bạn có thể nói Premiership ra đời chính là nhờ những người không uống bia rượu. Họ hy vọng nhịp lăn và sức hấp dẫn của quả bóng tròn sẽ khiến cho dân chúng say mê và quên đi men bia rượu.
Những người tiên phong của giải vô địch Anh hy vọng bóng đá sẽ kéo công chúng ra khỏi các quán bar.
Trước khi đến sân? Làm vài cốc bia đã. Sau khi rời sân? Làm vài vại bia ăn mừng đã rồi hãy về nhà. Còn thua thì cũng... uống giải sầu được chứ sao. Dân nhậu luôn có lý do để nhậu và nó... độc lập với mọi thứ trên đời. Điều này thì những người tẩy chay thức uống có cồn thời ấy không thể hiểu được.
Ngoài sân quán bar mọc lên như nấm. Còn trong sân, những biển quảng cáo mang nhãn hiểu bia được đặt ở những vị trí tốt nhất, dễ thấy nhất để tăng hiệu quả kinh doanh.
MỐI “LƯƠNG DUYÊN” BỀN CHẶT
Người ta nhanh chóng nhận ra kinh doanh bia là một ngành mang lại lợi nhuận khổng lồ. Và bóng đá càng trở thành một chất xúc tác để đẩy mạnh hơn nữa đầu ra.
Tony Collins, đồng tác giả của cuốn sách về lịch sử thể thao: "Bùn, mồ hôi và bia", đồng thời là người điều hành Trung tâm lịch sử và văn hóa Thể thao Quốc tế cho biết: "Các CĐV đã uống bia từ những năm 1880 và bây giờ, thế kỷ 21, họ càng uống nhiều hơn. Hãy tưởng tượng việc họ không phải vào sân, nhưng lại được ngồi trong quá bar, trên tay chai bia và trước mắt là màn hình 3D".
Các nhãn hàng bia tiếp tục chiếm giữ những vị trí hết sức quan trọng trong thế giới túc cầu. Họ tài trợ cho những CLB lớn và giúp cho những đội bóng lao đao về tài chính thoát khỏi cảnh phá sản. Trong thập niên 1920, CLB Watford được mệnh danh là "Những kẻ ủ bia" khi liên tục cầu viện hãng bia địa phương Benskins.
Cơn khủng hoảng kinh tế và thế chiến I càng làm cho mối quan hệ giữa bóng đá và bia trở nên bền chặt. Năm 1933, chiến dịch "Beer is Best" (Bia là nhất) ra đời. Trong thập niên 1960, việc cầu thủ quảng cáo bia trên TV là hết sức bình thường. Và nếu như những thần tượng của bạn như Bobby Moore hay Denis Law mà còn hít hà khi cầm một nhãn hàng bia nào đó, bạn dám... chê loại bia ấy không.
Trong những năm 1970, những người làm luật bắt đầu nhìn bia với ánh nhìn khó chịu. Sự lớn mạnh của “chủ nghĩa hooligan” buộc Chính phủ Anh phải nhìn thức uống có cồn như một nguyên nhân chính cho những cuộc đập phá, không chỉ tại Anh mà trên toàn châu Âu, những nơi đội tuyển Anh đang làm khách. Trong cuốn sách "Nguồn gốc của chủ nghĩa hooligan trong bóng đá", tác giả Eric Dunning đã chỉ ra bia rượu chính là một nguyên nhân cơ bản.
Luật phát buộc phải vào cuộc. Một lệnh cấm bia rượu triệt để được ban hành vào năm 1980 sau màn bạo lực kinh khủng trong trận chung kết Cúp quốc gia Scotland. Năm 1985, sau một năm đầy những thảm họa bóng đá, bao gồm màn đốt lửa ở Bradford và thảm thọa Heysel, đạo luật kiểm soát thức uống có cồn chính thức có hiệu luật trên toàn bộ Vương quốc Anh.
Luật quy định cấm người say vào sân bóng cũng như cấm uống bia bên trong khuôn viên khán đài. Mới 3 năm trước đó, đội tuyển Anh còn ký một hợp đồng tài trợ với hãng bia Courage cho World Cup 1982. Linh vật của Anh tại giải năm đó - con chó mặt xệ Bobby thậm chí còn có... cái bụng phệ vì uống bia.
NHỮNG LẦN XẤU MẶT
Những vụ xung đột do hooligan gây ra, xuất phát từ say xỉn, tiếp tục xảy ra trên toàn châu Âu, khiến cho các đệ tử lưu linh bao phen nhục nhã. Những ngày bạo lực ở Marseille tại France 1998 và Chaleroi ở EURO 2000. EURO 1996 tại Anh, CĐV Đan Mạch choảng nhau luôn với cảnh sát và dân địa phương. Những nhà làm luật ở Anh càng vừng vàng thêm nhận định của họ: Ở đâu có bia rượu, ở đó có hooligan. Ở đâu có cả hai, ở đó có thảm họa.
Ở Đan Mạch có một nhóm CĐV nổi tiếng là Roligans. Nhóm này cũng có những nguyên tắc rất đáng khuyến khích như không bao giờ hò hét khi CĐV đối phương đang chào cờ, không bao giờ dắt trẻ em đến sân để chúng không phải nghe những từ ngữ tục tĩu và những cuộc xung đột không may xảy ra. Thế nhưng họ vẫn... uống bia như uống nước và thường xuyên mời CĐV những đội khác về nơi tập trung của mình... giao lưu.
Có một nghịch lý là bất chấp lệnh cấm bia rượu đã được ban hành từ năm 1985, tuyệt đại đa số các CĐV đều không biết gì về nó. Đấy là vì Chính phủ Anh cũng chỉ cấm một cách chiếu lệ mà không có hình thức xử phạt cụ thể.
Như thế nào là say? Làm sao xác định khi cảnh sát hiếm khi đo nồng độ cồn trước khi cho CĐV vào sân. Chỉ đến khi những vụ xung đột đánh nhau to xảy ra, cảnh sát mới mang đám hooligan về đồn. Khi ấy vấn đề chuyển sang chiều hướng dân sự, đâu còn liên quan gì đến đạo luật năm 1985!
Miochael Brunskill, Chủ tịch Liên đoàn CĐV (SFS) cho biết: "Các CĐV đều tỏ ra hết sức ngạc nhiên khi họ cố tình vào sân trong tình trạng say xỉn. Chỉ khi nào bạn nói say thì mới là... say thôi, cảnh sát không đo nồng độ cồn".
Những điều ghi trong luật - cấm uống bia nếu vị trí của bạn có thể bị nhìn thấy - cũng hết sức mơ hồ. Vả lại cấm uống bia làm gì khi bia vẫn nhan nhản bán trong và ngoài sân. Thậm chí muốn tìm quán bar quán rượu thì cách dễ nhất là tìm đến các sân vận động. Quanh đấy thể nào cũng có.
VÌ “TA” CẦN NHAU
Chính phủ Anh, FA hay các tổ chức bóng đá có sợ hãi đám hooligan say xỉn đến đâu, họ cũng không thể bỏ qua một sự thật là bia đang mang lại cho bóng đá những nguồn lợi kếch sù. Bia, không như nhiều ngành kinh doanh khác, là sản phẩm rất hiếm khi sợ lỗ. Miếng bánh bóng đá chỉ có chừng ấy, không lạ khi nhiều hãng hàng bia khác nhau đang cố gắng chiếm cho bằng được một phần để khai thác.
Singha là hãng bia độc quyền cho Chelsea và Man United. Trong khi đó nhà tài trợ Chang của Everton từng thể hiện sự gắn kết với đội bóng khi thiết kế linh vật của CLB là chú voi mang tên Changy. Câu hỏi đặt ra: liệu các fan của Everton có muốn con cái của họ yêu một đội bóng có linh vật tên Changy?
Cuộc tranh cãi ấy lại bị thổi bùng lên khi Budweiser giành được quyền tài trợ chính thức Cúp FA và gắn tên mình vào giải đấu lâu đời nhất thế giới. FA là một tổ chức phi lợi nhuận, nhưng sự liên kết với các đối tác, trong đó có Carlsberg buộc họ cũng phải có trách nhiệm. Carlsberg đã rót tiền tài trợ cho FA trong chiến dịch nâng cao chất lượng trọng tài.
Giám đốc makerting của hãng bia này, Keld Strudahl, nhấn mạnh: "Bia và bóng đá sẽ luôn là mối liên kết bền chặt, hôm nay và cả trong tương lai. Chúng tôi hỗ trợ cho tất cả các loại bóng đá, từ những đội bóng lớn cho đến bóng đá nền tảng. Chúng tôi luôn muốn truyền đi thông điệp việc tiêu thụ rượu bia mang lại lợi ích gì, chứ chúng tôi không cổ động uống trong và ngoài sân cỏ".
TRÁCH NHIÊM CỘNG ĐỒNG
Thêm một câu hỏi khác, nếu như các tổ chức bóng đá đã nhận những món tiền kếch sù từ các nhãn hàng bia thì liệu có trách nhiệm gì về việc giáo dục tác hại cho bia rượu với cộng đồng hay không? Câu trả lời đa số là không. FA có tiến hành nhiều chiến dịch "phổ cập" tác hại của bia rượu với các fan, trong đó có cái mang tên "Tại sao lại để bia rượu quyết định?". Premiership cũng ủng hộ khoảng 6 triệu bảng Anh cho chương trình này.
Nhưng UEFA thì không có bất kỳ động thái nào. Còn FIFA ư? Họ thậm chí còn giãy nãy lên khi quốc hội Brazil thông qua lệnh cấm rượu bia trong thời gian diễn ra World Cup.
Nhưng trên góc nhìn của người viết: giáo dục rượu bia là chuyện của... giáo dục, của chính phủ, chứ không phải chuyện của bóng đá. Uống bia quá chén, không kiểm soát được mình là sẽ gây chuyện, xem bóng đá hay bóng chuyền, bóng rổ gì chả như nhau. Đừng nên khoác lên bóng đá quá nhiều trọng trách bởi suy cho cùng và trên hết, đây cũng chỉ là một trò chơi.
Các CLB Man United, Man City và Everton (lúc còn đá tại sân Anfield) đều sống nhờ vào tiền tài trợ của những nhãn hàng bia. Liverpool thậm chí chỉ ra đời theo nhu cầu của người địa chủ Anfield và là doanh nhân ngành bia John Houlding.
LUẬT KIỂM SOÁT RƯỢU BIA 1985
"Một CĐV sẽ không được phép say xỉn hoặc sử dụng thức uống có cồn trong quá trình di chuyển đến trận đấu trên phương tiện chính thức dành cho các CĐV, khi đang ở trong sân ở vị trí mà bạn có thể bị nhìn thấy, chỉ trừ những nơi dành cho các thành viên quan chức, nơi bạn có thể uống bất cứ thứ gì mình muốn".
TỨ “ĐẠI GIA” BIA CỦA BÓNG ĐÁ ANH VÀ CHÂU ÂU
Carlsberg: Đối tác của FA, UEFA, Arsenal, Tottenham, FC Copenhagen...
Số tiền đầu tư: 60 triệu bảng.
Budweiser: Đối tác của Cúp FA.
Số tiền đầu tư: 24 triệu bảng.
Heineken: Đối tác của Champions League.
Số tiền đầu tư: 17 triệu bảng.
Carling (Coors): Đối tác của Cúp Liên đoàn (vì thế nên đã có lúc gọi là Carling Cup), giải vô địch Scotland...
Số tiền đầu tư: 16,5 triệu bảng.
Các kiếm sĩ đều mê nước thịt
Kiếm sĩ nào cũng sẽ mửa nôn
Khi bia cứ đến dập dồn
Nếu mà không nhậu tiếng đồn chê bai
Nước sốt ấy quả là béo ngậy
Thêm bia vào càng thấy vui sao
Nếu trông thấy kiếm sĩ nào
Đang nôn thì nhớ hô hào cho hăng
(Bài hát truyền thống của Sheffield United, những năm 1970. Kiếm sĩ (Blade Men) chính là biệt danh của các fan Sheffield).