
Ai cũng có thể lên tiên!
Người ta bảo sống thì phải hy vọng, nếu không cuộc đời sẽ tẻ nhạt lắm! Trên bình diện bóng đá, đội tuyển Anh khá tẻ nhạt vào lúc này, vì nhân tài hiếm hoi, lối chơi thiếu lửa, thành tích quốc tế bèo bọt. Liệu Barkley sẽ là đấng cứu thế mà bấy lâu Tam sư luôn tìm kiếm?
Phát biểu của Martinez đúng vào ngày Wayne Rooney ghi bàn trong trận đấu thứ 100 cho đội tuyển quốc gia. Rooney, hơn 10 năm trước, chính là tài năng lớn nhất và được kỳ vọng nhất của bóng đá Anh. Sau đó, còn có những cầu thủ trẻ nổi lên từ rất sớm như Theo Walcott hay James Milner, nhưng khi lên tuyển thậm chí họ không giữ nổi một suất đá chính thì nói gì đến chuyện được tạc tượng trong ngôi đền những huyền thoại của bóng đá Anh.
Rooney là một tài năng lớn, giành rất nhiều danh hiệu cùng M.U, nhưng chưa xứng là huyền thoại của bóng đá Anh. Barkley sau hơn 10 năm nữa khi từ giã sự nghiệp quốc tế, liệu có hơn Rooney trước khi nói đến chuyện vượt qua một loạt tên tuổi khác để trở thành người vĩ đại nhất trong số những người vĩ đại nhất của nền túc cầu xứ sương mù?

Ross Barkley (phải)
Michael Owen, Paul Gascoigne, Kevin Keegan, Bobby Charlton, Bobby Moore, Stanley Matthews, Duncan Edwards, Geoff Hurst, Gordon Banks… Bóng đá Anh có rất nhiều cầu thủ vĩ đại. Ở những thế hệ gần nhất, có thể kể tên Shearer, Beckham, Terry, Scholes, Gerrard, Lampard, Ferdinand, Ashley Cole… Ở đỉnh cao phong độ, họ là những tên tuổi hàng đầu thế giới. Chỉ vì khi khoác lên mình chiếc áo của đội tuyển, những cái tên kể trên (và cả Rooney nữa) không thể đem lại thành tích cao cho Tam sư, nên nhiều người sẽ không kể tên họ trong danh sách những huyền thoại của bóng đá Anh.
Barkley, 20 tuổi và là thành viên của Everton, chưa làm được điều gì đáng kể nhưng đã được tung hô ngất trời. Suy cho cùng, chẳng có lợi cho bản thân Barkley cũng như ĐTQG và bóng đá Anh.
Martinez là HLV của Everton, chả trách ông “tự sướng” với một cầu thủ tài năng của CLB chủ sân Goodison Park. Cái giá hơn 60 triệu bảng Everton đưa ra cho Barkley cũng nực cười như chuyện Aaron Ramsey (quốc tịch Xứ Wales, cũng thuộc Vương quốc Anh) chỉ sau vài trận bay bổng đã được tờ Daily Mail đồn thổi Barcelona muốn mua với giá 50 triệu bảng.
Bóng đá Anh tự tạo cái cảm giác thặng dư về sự giàu có và tài năng bóng đá, sự kiêu hãnh rỗng tuếch từng một thời khiến người Anh tự tách khỏi sinh hoạt bóng đá thế giới, đến khi “chịu” hội nhập thì thua ngay Mỹ ở World Cup 1950, sau đó thua Hungary 3-6 sau đó 3 năm.
Thì ra, người Anh sống với cảm giác ảo ở giai đoạn thế giới còn sống rất “thực” chứ không ảo như bây giờ trong thời đại công nghệ số, khi bất kỳ ai cũng có thể “quăng” mình lên Youtube, Facebook rồi tự phong cái mác tài năng, ngôi sao, siêu (1001 thứ)…
Tuyển Anh khép lại năm 2014 với trận chính thức cuối cùng thắng Slovenia trong một ngày trọng đại của Rooney. Kèm theo đó là lời tán dương Barkley. Đến hẹn lại lên, đội tuyển Anh tổng kết năm với kịch bản quen thuộc: có cố gắng, nhưng thiếu… may mắn nên bị loại sớm ở World Cup 2014, song tương lai rất xán lạn với Sterling (chưa đầy 20 tuổi đã như hết hơi), Barkley, Shaw, Sturridge (chuyên gia chấn thương)…
Người ta nói con người dễ tự ru ngủ mình trên chiến thắng, trong khi người Anh “đẳng cấp” hơn tự ru ngủ trên thất bại, cả ở bình diện đội tuyển lẫn cấp CLB (te tua ở Champions League).