Bình luận: Giải đấu hấp dẫn nhất? Hãy tự trả lời!
Lý do: một chuyến “du lịch mini” sang Đức, dĩ nhiên gồm mọi chi phí liên quan như di chuyển, ăn ở cộng với vé vào sân xem bóng đá đỉnh cao để thỏa mãn niềm vui thể thao mỗi dịp cuối tuần. Tính ra vẫn rẻ hơn chi phí để có niềm vui tương tự với một đội bóng Anh, ngay tại xứ sương mù.
Kết luận hiển nhiên: chi phí xem bóng đá Đức rẻ hơn rất nhiều so với chi phí xem bóng đá Anh, dù chất lượng chuyên môn thì tạm cho là ngang nhau. Quan trọng ở chỗ: đấy là sự thật hiển nhiên. Và đấy là chi tiết quan trọng có thể “cân đo đong đếm”. Chúng ta đều biết, mọi cuộc xếp hạng trong môn bóng đá đều vấp phải một rào cản hầu như không thể vượt qua, đó là mọi sự so sánh đều chỉ mang tính ước lệ, vì cái thuộc tính “không thể cân đo đong đếm” của môn bóng đá (trớ trêu thay, bóng đá hấp dẫn chính vì lẽ ấy).
Thế nào là bóng đá đẹp? Thế nào là sự hấp dẫn? Thậm chí có những câu hỏi tưởng đơn giản hơn nhưng rút cuộc cũng không thể trả lời theo kiểu “hai 5 rõ 10”: thế nào là cầu thủ giỏi? Những tranh cãi theo kiểu “giải nào hấp dẫn nhất” hoặc “cầu thủ nào hay nhất” cứ thế mà kéo dài hàng trăm năm là vì vậy. Giải nào hấp dẫn nhất? Trước tiên, câu trả lời tùy thuộc vào quan niệm của chính bạn: thế nào là bóng đá hấp dẫn?
Trong một giáo trình bóng đá được đánh giá cao tại Italia, chuyên gia Arrigo Sacchi từng nêu lên một trận đấu mà ông cho là đặc sắc, đáng để các thầy giáo bóng đá nghiên cứu và giảng dạy. Trận ấy: Juventus thắng một đối thủ “tầm cỡ trung bình” 1-0. Họ mở tỷ số ngay phút thứ 5. Thế là suốt 85 phút còn lại, Bà đầm già lừng lẫy danh tiếng chỉ làm mọi cách để bảo vệ tỷ số. Họ đá chậm, giữ bóng nhiều, phạm lỗi khi cần, nói chung là dùng đủ mọi “thủ đoạn” để làm cho trận đấu coi như chấm dứt sau phút thứ 5. Và họ thành công. Bóng đá như thế thì quá tẻ nhạt? Vâng, bạn có quyền nghĩ thế. Nhưng CĐV của Juventus đến sân là để xem cái “nghệ thuật bảo vệ tỷ số” của đội nhà, và họ hả hê - không phải vì bàn mở tỷ số ở phút thứ 5, mà vì suốt 85 phút phòng ngự xuất sắc “bằng mọi cách có thể” sau bàn thắng ấy!
Hãy trở lại với câu chuyện có thể “cân đo đong đếm” ở phần đầu bài. Thực tế cho thấy: không có giải VĐQG nào bán được bản quyền truyền hình với mức giá không thể tưởng tượng như Premier League của Anh. Cũng không có giải đấu nào “móc túi” người hâm mộ một cách... dã man như Premier League. Đấy là câu trả lời! Mở rộng vấn đề: khi đã so sánh những chuyện mà ai cũng biết là khó (hoặc không thể) so sánh, thì xin hãy bỏ qua mọi khái niệm mang tính ước lệ như vẻ đẹp nghệ thuật hoặc sức lôi cuốn. Hãy lưu ý nhiều hơn đến những chi tiết rõ ràng: giá trị tiền bạc, số lượng ngôi sao, thành tích đỉnh cao... Bởi ít ra, đấy cũng là những chi tiết không thể tranh cãi, những chi tiết rõ ràng về sự hơn thua.
Nhưng tất nhiên, đấy cũng chỉ là những so sánh gượng ép. Một cách hiển nhiên: nếu có thể xác định một giải đấu “hấp dẫn nhất”, thì những giải lớn xung quanh có thể đã... “chết” hết rồi. Cuộc đời không đơn giản như vậy. Và bóng đá cũng giống cuộc đời.