Sáng nay (6/1), NHM Việt Nam sẽ có dịp được chứng kiến tận mắt một Cannavaro bằng xương bằng thịt. Vì sao Cannavaro lại được chờ đón đến thế? Bài viết dưới đây sẽ phần nào giúp bạn hiểu được điều đó.
Trước đây, nói đến Calcio thì phải nói đến Catenaccio. Đấy không đơn thuần là một lối chơi thiên hẳn về thủ. Đấy là cả một tinh thần, một triết lý. Trong tinh thần Catenaccio, người Italia luôn cố gắng phòng thủ bằng mọi cách có thể, chứ không chỉ bằng đấu pháp chặt chẽ, bằng cách phòng thủ số đông hoặc hậu vệ đứng thật thấp. Hậu vệ của Calcio trong giai đoạn ấy phải giỏi vận dụng tiểu xảo, sẵn sàng chém đinh chặt sắt, chấp nhận xé áo, níu quần hoặc đeo bám đối phương như hình với bóng.
Trong bóng đá hiện đại, Calcio không thể phòng thủ như thế nữa, vì mọi thứ liên quan đều chống lại họ. Từ giữa thập niên 1980, FIFA và IFAB đã luôn sửa luật theo hướng tạo thuận lợi cho bóng đá tấn công. Và đấy chính là tiền đề cho cả một cuộc cách mạng chuyên môn tại Calcio. Ứng với mỗi Claudio Gentile, bóng đá Italia xuất hiện một Paolo Maldini. Và với mỗi Roberto Bettega, Gaetano Scirea, Calcio có ngay một Fabio Cannavaro, Alessandro Nesta.
Ngày xưa, Scirea có thể chiến thắng đến 8 trong 10 pha tranh chấp tay đôi với tiền đạo đối phương. Điều đó có nghĩa, ở 2 lần thua, đội bóng của Scirea có nguy cơ thủng lưới. Ngày xưa, Gentile có thể dùng mọi biện pháp phi thể thao để loại Diego Maradona ra khỏi vòng tranh chấp. Bây giờ, chỉ cần 2 lần chơi xấu, hậu vệ trong trường phái Catenaccio kiểu cũ có thể bị đuổi. Phải thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh mới.
Từ đó, hàng chục hậu vệ "kiểu mới" xuất hiện ở Calcio với lối chơi khôn ngoan hơn, thông minh hơn, kỹ thuật cũng điêu luyện hơn hẳn so với các hậu vệ truyền thống. Alessandro Costacurta, Pietro Vierchowod, Franco Baresi, Maldini, Nesta, Cannavaro… đều ở đẳng cấp hàng đầu thế giới, chưa kể hàng loạt những Mark Iuliano, Mauro Tassotti, Gianluca Pessotto, Andrea Barzagli, Fabio Grosso, Cristian Zaccardo, Massimo Oddo đều không thể gọi là tồi.
Mẫu hậu vệ mới của Calcio luôn biết cách đọc trận đấu và di chuyển, vận hành sao cho họ không bao giờ rơi vào tình huống phải tranh chấp tay đôi ở khu vực nguy hiểm nữa. Điểm nóng mà họ thi thố tài năng luôn bị đẩy ra biên hoặc cách khung thành khoảng 30m trở lên. Có lúc, Azzurri chỉ cần đúng 3 hậu vệ là đủ hình thành một hàng phòng ngự kín kẽ (khi Cannavaro - Nesta - Maldini đá chính), thế là khu vực giữa sân có thêm 1 người để cải thiện sức mạnh cả công lẫn thủ.
Vì sao Cannavaro có thể hình thấp bé nhưng rất ít khi thất bại trong các pha không chiến? Một phần vì Cannavaro phân tích tình huống thật hay và luôn tận dụng tốt ưu điểm về sức bật. Anh đã quyết định bật nhảy để tranh bóng thì phải luôn chính xác cả về thời điểm lẫn vị trí. Nhưng còn có một nguyên nhân nữa: hiếm khi kiểu hậu vệ khôn ngoan như Cannavaro lại để rơi vào những tình huống tranh chấp như vậy.
Cũng vì có những hậu vệ xuất sắc như Maldini, Nesta hoặc Cannavaro mà các thủ môn của đội tuyển Italia thường rất tự tin, phát huy khả năng đến mức tốt nhất. Francesco Toldo dù chỉ là thủ môn dự bị cũng đã tỏa sáng, vì yên tâm về khả năng ứng phó của hậu vệ trong tình huống bắt không dính bóng.
Bây giờ, kiểu hậu vệ xuất sắc như Cannavaro "gần như" không còn nữa, ngay cả ở Calcio. Tại EURO 2008, Cannavaro chấn thương ngay trước giờ khai cuộc. Và Azzurri có lúc phải đưa vào hàng thủ đến 4 hậu vệ đều chuyên đá biên. Đến World Cup 2010 thì Azurri không thắng trận nào, đứng dưới cả New Zealand. Cũng có thể đấy là vấn đề xu hướng, khi lối chơi phòng ngự - phản công đang dần thất thế ở những giải lớn.
Nhưng dù là nguyên nhân nào đi nữa, giới hâm mộ Italia giờ vẫn đang nhớ mẫu hậu vệ làm cho họ tự hào, như Fabio Cannavaro.
BẢNG VÀNG THÀNH TÍCH
ĐTQG Italia: VĐ World Cup 2006
Parma: Coppa Italia 1998/99 và 2011/02, Siêu Cúp Italia 1999, UEFA Cup 1998/99
Real Madrid: VĐ La Liga 2006/07 và 2007/08, Siêu Cúp TBN 2008
Thành tích cá nhân: Cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2006, Quả bóng Vàng 2006, Cầu thủ xuất sắc nhất Italia 2006.
XEM THÊM
Bongdaplus.vn