Bằng tuổi với Canna còn có 1 trung vệ xuất sắc khác là Marco Materazzi, chính họ đã là những người góp công sức rất lớn cho chiến dịch lịch sử World Cup 2006. Thế nhưng, trong khi Materazzi được người ta nhớ đến bởi những cú tắc bóng thô bạo, cùng màn khiêu khích dẫn đến cú “thiết đầu công” nổi tiếng của Zidane, thì hình ảnh của Canna đọng lại trong NHM lại rất đẹp đẽ.
Trong suốt 7 trận tại VCK World Cup 2006, ĐT Italia chỉ thủng lưới 2 bàn, lần thứ nhất là pha đá phản lưới nhà thuộc hàng độc nhất vô nhị trong lịch sử bóng đá của Barzagli, lần thứ hai là từ quả phạt đền của Zidane. Canna đã không có lỗi trong cả 2 bàn thua đó, anh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ an toàn khung thành của thủ môn Buffon ở mức gần như tuyệt đối. Đáng chú ý là cùng với Buffon, Canna là 1 trong 2 tuyển thủ Italia đã đá trọn vẹn cả 7 trận trong chiến dịch trên đất Đức. Vậy mà ở vị trí trung vệ, Canna đã không phải nhận bất cứ chiếc thẻ vàng nào!
Với những hậu vệ nói chung, tất nhiên dù lịch lãm tới mấy thì họ cũng phải có những ngón đòn riêng để sử dụng, gọi là “tiểu xảo”. Nhưng Canna không giống Materazzi, những tiểu xảo của Canna chỉ là nhằm ngăn chặn tiền đạo đối phương một cách hiệu quả nhất, hiếm khi thấy anh ra đòn một cách ác ý. Đây là lý do Canna ít khi phải nhận sự trừng phạt từ trọng tài. Trong thời gian đá ở Juve dưới thời HLV Capello, có giai đoạn Canna cùng đối tác ở vị trí trung vệ Thuram không phải nhận thẻ vàng trong nhiều trận đấu liên tiếp (cao nhất là 11 trận).
Những thống kê khó tin kể trên là lý do để Canna trở thành biểu tượng của lối đá fair-play!
Bongdaplus.vn