
Ăn theo trận chung kết được chờ đợi ở Athens, show truyền hình giải trí Crakovia dàn dựng một kịch bản kể về câu chuyện BHL của Johan Cruyff trước trận đối đầu Milan không cần bàn bạc bất kì chiến thuật nào mà chỉ gửi một thông điệp: “Barca là những nhà vô địch”.
Câu chuyện của Crakovia không xa rời thực tế là bao. Một thành viên BHLV Barca tuyên bố xanh rờn: “Chúng tôi đến Athens để nhận cúp. Chúng tôi không giành giật nó với ai hết”. Carles Rexach, một trong các trợ lý HLV, cũng thừa nhận: “Chúng tôi đã chẳng chuẩn bị gì. Chúng tôi đã không tập trung cho trận đấu ở Athens và đó là khởi đầu của một sự kết thúc”.
Nhận xét về con người của Cruyff, một giám đốc hiện tại của Barca so sánh: “Trong vai trò HLV, Pep Guardiola có những nguyên tắc kế thừa từ Cruyff. Nhưng ông ấy làm việc một cách nghiêm túc, cẩn trọng và cầu tiến. Đó đơn giản là những phẩm chấp mà Cruyff không bao giờ có”.

Milan hoàn toàn áp đảo Barca
Nhớ lại trước trận chung kết tại Wembley (năm 1992, Barca vô địch nhờ thắng lợi 1-0 trước Sampdoria), Cruyff nói với toàn đội bóng: “Hãy ra sân và tận hưởng chính mình”. Hai năm sau, tại Athens, ông tuyên bố với các học trò: “Các cậu giỏi hơn họ. Các cậu sẽ giành chiến thắng”. Năm 1992, ông được ca ngợi như một thiên tài. Đến năm 1994, ông bị chế nhạo như một thằng hề.
Milan đã bóp chết hàng tiền vệ Barca. Marcel Desailly kiểm soát toàn bộ trận đấu, trong khi Demetrio Albertini là nguồn sáng tạo bất tận của Milan. Trong lúc đó, Guardiola vật vờ như một cái bóng khiến Barca không thể tranh chấp khu trung tuyến. Romario mất hút trên sân và tình trạng tương tự cũng xảy ra với Hristo Stoichkov. “Trận này không phải chúng tôi đá tệ mà đơn giản là chúng tôi đã không chơi bóng”, Cruyff nhận xét sau cú sốc.
Trong mỗi trận đấu, Cruyff buộc phải loại một trong bốn ngôi sao không phải người Tây Ban Nha của mình là Romario, Ronald Koeman, Stoichkov, Michael Laudrup. Tại Athens, ông gạt tên Laudrup, một quyết định dễ hiểu khi thời điểm đó rộ lên tin đồn về bất đồng giữa tiền vệ người Đan Mạch với Cruyff. “Khi tôi nhìn thấy Laudrup không có tên, tôi đã thở phào nhẹ nhõm. Cậu ta là một hiểm họa với chúng tôi”, HLV Fabio Capello của Milan nhớ lại.

Milan đã dạy Barca bài học về sự khiêm nhường
Milan ghi hai bàn ngay trong hiệp đầu tiên và đều do công Daniele Massaro. 2 phút sau giờ giải lao, Dejan Savicevic mang về bàn thứ ba từ một cú lốp bóng hoàn hảo. “Khi nhận bàn thua thứ ba, chúng tôi hiểu hy vọng đã chấm hết. Đó là ngày tồi tệ nhất trong sự nghiệp của tôi”, thủ môn Andoni Zubizarreta của Barca hồi tưởng. Màn thư hùng khép lại với tỉ số 4-0 sau bàn ấn định của Desailly và cho đến nay vẫn là tỉ số đậm nhất trong lịch sử một trận chung kết Champions League. Hàng thủ Milan có một ngày nhàn nhã đến không ngờ. Đó là chức vô địch châu Âu thứ 5 của Milan, trong khi Barca mới chỉ có 1.
Bầu không khí nặng nề bao trùm phòng thay đồ của Barca. Một nhân viên phục vụ trận đấu kể rằng anh nghe thấy một giọng chửi thề “Chết tiệt, chết tiệt, chết tiệt” từ phòng dành cho BHL Barca. Cruyff đi tới đi lui, sau đó im bặt và rời khỏi phòng. Những rạn nứt bắt đầu xuất hiện, Barca không giành được danh hiệu nào mùa sau đó và họ rơi vào vực thẳm do chính mình tạo ra.
Sau khi mùa bóng cùng CLB kết thúc, Stoichkov và Romario trở thành những cầu thủ xuất sắc nhất của World Cup trên đất Mỹ. Nỗi đau cùng Barca được bù đắp bằng vinh quang cùng đội tuyển quê nhà của họ. Trong men say chiến thắng, Romario tuyên bố: “Cruyff chưa từng vô địch World Cup, còn tôi đã làm được”. Stoichkov, vốn là người bạn thân thiết nhất của Romario, bất bình với thái độ kiêu ngạo của Romario. Quan hệ giữa họ trở nên căng thẳng và Stoichkov đã không thèm đến thăm gia đình Romario tại Rio như đã hứa.

Barca gục ngã trong trận thua đậm nhất tại
chung kết Champions League
“Romario đã không bao giờ trở về sau mùa World Cup đó. Thân xác cậu ta ở đây, nhưng tâm trí cậu ta vẫn còn ở Rio”, Stoichkov đánh giá về người bạn của mình. Đó chẳng khác nào một lời buộc tội và mối hiềm khích ngày càng lớn dần. Không lâu sau đó, Stoichkov lại tuyên bố: “Hãy chọn Cruyff hoặc tôi”.
Các vấn đề hậu trường căng thẳng làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng tại Barca. Nhưng bên cạnh đó còn là những vấn đề chuyên môn. Rexach tiết lộ: “Chúng tôi chẳng có một kế hoạch tương lai nào theo đúng nghĩa”. Tổn thương bởi trận thảm bại trước Milan, Cruyff đã phản ứng một cách tiêu cực, xé nát những gì mà ông từng xây dựng.
Zubizarreta đã được hứa hẹn ký một hợp đồng mới, nhưng chuyện đó không xảy ra. Laudrup, người bị “bỏ rơi” trong trận chung kết, một vài ngày sau cũng tuyên bố ra đi. Điểm đến của ông là… Real Madrid.
XEM THÊM
bongdaplus.vn