Giới hâm mộ bóng đá quốc tế trong thế hệ hiện thời có thể không hiểu rõ lắm về Pele, Bobby Charlton, thậm chí Socrates, Michel Platini (đối với các fan 9x)? Không sao! Họ may mắn hơn các thế hệ đi trước khi được xem, đọc hoặc tìm hiểu đến tận chân tơ kẽ tóc những gì tuyệt vời nhất của Lionel Messi hoặc Cristiano Ronaldo. Và họ có cái may mắn mà những thế hệ tiền bối không có: chứng kiến tường tận giai đoạn đỉnh cao cũng như khoảnh khắc (bị cho là) thoái trào của cái nghệ thuật nhồi bóng mang tên Tiqui-taca.
Cũng như việc Sir Alex tuyên bố rút lui, chấm dứt 27 năm trị vì ở Old Trafford, thất bại của Tiqui-taca với hình ảnh cụ thể là việc Barcelona thảm bại 0-7 trong 2 trận bán kết Champions League trước Bayern Munich đều là những cột mốc trọng đại, sẽ đọng mãi trong dòng trôi của lịch sử bóng đá. Sự nghiệp cầm quân của Ferguson ở M.U, hoặc hình ảnh vô đối trên sân của Tiqui-taca càng oanh liệt, vĩ đại bao nhiêu, thì cái đoạn kết của nó càng bất ngờ, đáng nhớ bấy nhiêu. Và hệ quả tiếp theo cũng càng lớn lao, phức tạp bấy nhiêu. Không thể nói một cách cụ thể rằng thế giới cần bao nhiêu ngày, bao nhiêu tuần, hoặc bao nhiêu tháng để bàn đến tận cùng về M.U sau triều đại Ferguson, hoặc về Barcelona sau khi Tiqui-taca thất bại với hình ảnh thật sự sụp đổ ở Champions League mùa này.
Tất cả giống nhau ở chỗ, cuộc sống vẫn phải tiếp diễn. Đừng nói David Moyes, ngay cả trong trường hợp Ryan Giggs hoặc Paul Scholes “kế vị” Ferguson đi nữa, thì M.U vẫn phải trở về với công việc thường nhật của họ: chuẩn bị cho Premier League và Champions League mùa tới. Barcelona cũng vậy. Hãy cứ trở lại với những giá trị căn bản của bóng đá đỉnh cao. Và bóng đá đỉnh cao đâu có nhất thiết cứ phải là Tiqui-taca, hay “hậu Tiqui-taca”!
Hồi Barcelona lần đầu đoạt Cúp C1 năm 1992 để hoàn tất bộ sưu tập 3 cúp châu Âu, họ ghi bàn duy nhất trong trận chung kết bằng cú sút phạt trực tiếp của Ronald Koeman - một hậu vệ nổi tiếng với những cú “nã đại bác tầm xa” mạnh như búa bổ. Không rườm rà, hoa mỹ. Không cần giá trị nghệ thuật gì, ngoài hiệu quả. Không cần phải có Tiqui-taca mỹ miều. Chỉ cần đội bóng xứ Catalan lần đầu lên ngôi vô địch châu Âu tầm CLB, là đủ đình đám. Cũng như hồi Real Madrid vô địch Champions League 1998, chấm dứt 32 năm dài chờ đợi để đăng quang ở giải vô địch châu Âu tầm CLB, họ ghi bàn duy nhất trong trận chung kết nhờ một cầu thủ... Montenegro. Không liên quan gì đến những khái niệm mỹ miều Galacticos “một chấm không” hoặc “hai chấm không” sau đó.
Barcelona sẽ “bình thường hóa” mọi chuyện ra sao, sau một mùa bóng mà thiên hạ đã bàn quá nhiều về mọi chỗ tốt, xấu của Tiqui-taca? Đấy sẽ là công việc sắp tới của Tito Vilanova, và đấy mới là công việc quan trọng nhất. Ông vẫn còn dư thời gian để rà soát lại hệ thống phòng ngự. Ông cũng còn dư thời gian để rà soát lại lực lượng và nghiền ngẫm hướng đi thích hợp cho một lực lượng cụ thể mà ông xây dựng trong mùa Hè này. Những hoài niệm, nhớ nhung, chỉ trích hay ca ngợi Tiqui-taca đều không thể là chi tiết quyết định vấn đề thành, bại của Barcelona mùa tới.
Thủng lưới nhiều gấp rưỡi mùa trước
Mùa trước, Barcelona mất ngôi vô địch La Liga về tay Real Madrid, nhưng họ chỉ thủng lưới 29 bàn trong 38 vòng đấu (bình quân 0,76 bàn/trận). Mùa này, Barcelona nắm chắc ngôi vô địch, nhưng họ đã thủng lưới 37 bàn chỉ trong 34 trận (1,08 bàn/trận). Rõ ràng, đội bóng xứ Catalan đã suy yếu hẳn về khả năng phòng thủ!