Sammer & Pep sẽ tạo nên ranh giới mới trong bóng đá?
Khi nhắc đến Cristiano Ronaldo, bạn đã bao giờ gặp trường hợp không biết nên gọi anh chàng này là tiền vệ hay tiền đạo? Trước kia, khi sơ đồ 4-4-2 còn thịnh hành, cuộc tranh luận có lẽ sẽ khó phân xử. Nhưng hiện tại là thời mà sơ đồ 4-2-3-1 lên ngôi nên mọi người đã quen với một thuật ngữ mới: cầu thủ chạy cánh, sự kết hợp giữa tiền vệ cánh và tiền đạo. Ronaldo là cầu thủ như vậy.
Quy luật phát triển chứng minh rằng không có chiến thuật nào trường tồn mãi mãi. Từ lật cánh đánh đầu của người Anh, Catenaccio của người Italia, tổng lực kiểu Hà Lan hay hiện tại là Tiqui-Taca của Tây Ban Nha... tất cả đều là tinh hoa triết lý bóng đá, nhưng cũng đều chỉ có thời của nó. Bởi sơ đồ thi đấu là tĩnh, còn chủ thể con người (ở đây là các HLV) là động. Vậy nên các chiến thuật trong bóng đá sẽ không ngừng vận động (chiến thuật luôn gắn liền với các sơ đồ đội hình).
Vấn đề đem bàn ở đây là xu thế vận động của các sơ đồ đội hình và sự ảnh tới kỹ năng chơi bóng của các cầu thủ ngày nay. Bongdaplus đã có một bài nói về sự thăng hoa của sơ đồ 4-2-3-1. Và Ronaldo có thể nói là cầu thủ đã hòa hợp, hay đã hoàn thiện mình với sơ đồ này hơn ai hết bởi từ ĐT Bồ Đào Nha cho đến M.U và hiện tại là Real Madrid đều áp dụng 4-2-3-1. Nhưng như đã nói ở trên, chẳng có gì đảm bảo vài năm nữa 4-2-3-1 sẽ còn thịnh hành. Bởi đã bắt đầu manh nha những ý tưởng mới mẻ hơn...
Cristiano Ronaldo
Sự tập trung bây giờ nên dành cho Bayern Munich, đội bóng được cho là mạnh nhất hành tinh lúc này. Cái cách mà họ chơi để đánh bại Barca với tổng tỉ số 7-0 qua hai lượt bán kết Champions League được cả thế giới tán dương, giống như những gì Tiqui-Taca đón nhận cách đây vài năm. Thống kê cho thấy các chỉ số giữa phòng ngự, tấn công, chuyền bóng, sút bóng, xoạc bóng... của từng vị trí là rất tương đương. Đơn cử một tiền đạo như Mario Mandzukic còn tham gia phòng ngự nhiều hơn cả một tiền vệ là Thomas Mueller. Đó không phải do Bayern bị ép sân, mà vì Mandzukic có khả năng làm nhiều việc hơn chỉ chăm chăm ghi bàn như những tiền đạo truyền thống.
Và trong đội hình Bayern, các cầu thủ khác cũng thế. Đôi lúc người ta tưởng rằng Philipp Lahm là một tiền đạo thay vì hậu vệ, hay Franck Ribery năng nổ tranh cướp bóng còn nhiều hơn bất kỳ đồng đội nào ở hàng phòng ngự. Cảm giác như sơ đồ đội hình phát trên tivi trước trận chỉ là để thông báo xem ai đang có mặt trên sân mà thôi.
Đến đây, chúng ta sẽ quay ngược lại câu chuyện của nước Đức vài năm trước, khi nền bóng đá này bắt đầu cuộc cách mạng làm thay đổi hình ảnh bản thân. Sau thảm bại tại EURO 2006, Mathias Sammer lúc đó là GĐKT của LĐBĐ Đức đã yêu cầu toàn bộ hệ thống đào tạo trẻ trên cả nước đưa vào giảng dạy giáo trình bóng đá lấy sơ đồ 4-2-3-1 làm chủ đạo. Kể cả ĐTQG Đức sau đó cũng chuyển từ sơ đồ 4-4-2 sang 4-2-3-1 bằng cách đưa Lukas Podolski dạt ra cánh (tại EURO 2008).
Cách làm xuyên suốt này mang lại một hệ quả mà ngày nay chúng ta thấy rất rõ, ĐT Đức đang nở rộ rất nhiều cầu thủ tấn công đa năng như Mario Goetze, Marco Reus, Andre Schuerrle, Julian Draxler, Mesut Oezil... nhưng tiền đạo thì vẫn là hai gương mặt cũ kỹ Mario Gomez và Miroslav Klose.
Guardiola và Goetze đến Bayern sẽ tạo nên cuộc cách mạng mới trong làng bóng đá?
Song, Sammer không quá bận tâm về sự mất cân đối này bởi ông nhận thấy rằng, triết lý bóng đá hiện đại đang tiến đến gần tới việc xóa nhòa ranh giới giữa tiền vệ và tiền đạo. Sammer thấy điều này khi xem Barca vận hành sơ đồ 4-3-3 dưới thời Pep Guardiola. Trong cuộc phỏng vấn gần đây, Guardiola bộc bạch rằng ông xem Lionel Messi như một hậu vệ bởi anh chính là người đầu tiên tham gia phòng ngự khi Barca mất bóng. Nên nhớ rằng Messi là cầu thủ vừa phá kỷ lục ghi bàn trong một năm dương lịch (92 bàn năm 2012).
Trên cơ sở đó, Sammer còn nghĩ táo bạo hơn. Ông đã đề nghị thử nghiệm trong một số trận đấu giao hữu của các đội trẻ Đức sơ đồ 4-2-4. Ở đó, 4 người chơi cao nhất không có ai là tiền đạo đúng nghĩa, mà họ sẽ thay phiên nhau đá như tiền đạo, hay dễ tưởng tượng hơn là 4 “số 9 ảo”, vai trò như Messi đang đảm nhiệm tại Barca, nghĩa là không có ai thường trực đứng trong vòng cấm. Về mặt lý thuyết, cách chơi này giúp đội bóng của Sammer vừa có đông quân số ở hàng tiền vệ, vừa khiến đối phương khó kèm người. Với những cầu thủ mà bóng đá Đức đang sở hữu, triết lý của Sammer không phải là bất khả thi.
Tuy nhiên, kế hoạch đang trong giai đoạn trứng nước thì Sammer bất ngờ rời cương vị để chuyển sang vị trí GĐKT tại Bayern. Người kế nhiệm ông là Robin Dutt chưa biết có ý định tiếp tục triển khai ý tưởng này trên diện rộng hay không?
Theo suy luận cá nhân của người viết, thì việc Sammer về Bayern rất có thể vì ông thấy ở đây môi trường thuận lợi hơn để áp dụng ý tưởng của mình. Thử nghĩ xem, chẳng ngẫu nhiên mà Bayern chọn Guardiola làm HLV trưởng kể từ mùa tới, bởi chiến lược gia Tây Ban Nha và Sammer vốn có cùng triết lý. Khi cả hai bộ óc táo bạo làm việc cạnh nhau, đó sẽ là thời điểm 4-2-4 ra đời?
Bản hợp đồng lớn đầu tiên của Bayern hè này là Goetze từ Borussia Dortmund. Cộng thêm những cái tên sẵn có như Ribery, Mueller, Toni Kroos, Xherdan Shaqiri, Arjen Robben, tân HLV Guardiola có đủ chất liệu cần thiết để tạo ra cuộc cách mạng tiếp theo trong làng bóng đá. Hãy xem liệu chúng ta có cơ hội đặt tên cho một chiến thuật mới hay không!