
TÌNH YÊU BỊ ĐẶT LÊN BÀN CÂN
Nhiều năm trở lại đây, Dortmund đã tạo nên một hình mẫu mơ ước đối với bất kỳ đội bóng nào muốn vươn lên đỉnh cao. Đó là một tập hợp gồm rất nhiều cầu thủ trẻ tài năng, thể hiện một lối chơi gắn kết, trong đó HLV Juergen Klopp không chỉ là chiến lược gia tài ba mà còn đóng vai một người cha mẫu mực.
“Những đứa trẻ nhà Klopp” đã được nuôi dưỡng trong một “tình yêu đích thực” không chỉ ở Dortmund mà ở các CĐV cuồng nhiệt, cho đến ngày họ phải đối mặt với những cám dỗ. Thành công của Dortmund tại Bundesliga (giành Đĩa bạc năm 2011 và 2012) cùng màn trình diễn ấn tượng tại Champions League 2012/13 khiến các cầu thủ ngày càng được chú ý hơn. Điều đó dẫn đến hệ quả tất yếu là họ phải đối mặt với cuộc “chảy máu tài năng”.

Ban đầu, Dortmund chấp nhận điều này bởi ở vị thế là một đội bóng nhỏ, họ phải chấp nhận cuộc chơi. Thế nhưng, sau những thành công rực rỡ trên sân cỏ và cả trong kinh doanh, họ đã đủ tiềm lực để trở thành một ông lớn thực sự. Dortmund cũng đã sẵn sàng chi lương khủng để giữ chân các ngôi sao. Song, một thực tế buồn là họ vẫn đang phải đối phó với cảnh “chảy máu tài năng”, như điều mà những đội bóng nhỏ vẫn phải đối mặt.
Nguyên do xuất phát từ việc Dortmund đã thăng tiến chóng mặt trong khoảng 3 năm trở lại đây nhưng bộ máy lãnh đạo của họ lại không theo kịp sự thăng tiến này, dẫn đến việc họ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong nỗ lực giữ chân các ngôi sao.
GOETZE KHÔNG CÓ LỖI
Sai lầm lớn nhất của Dortmund chính là việc BLĐ đội bóng này không theo sát được sự phát triển của mình, cũng như tâm tư nguyện vọng của các cầu thủ. Điều đó được thể hiện rõ ràng trong vụ Mario Goetze nhận lời đầu quân cho Bayern. Có thể các CĐV đội bóng vùng Ruhr hướng sự chỉ trích tới Goetze khi nhận lời đầu quân cho kình địch. Nhưng nên nhớ, chính BLĐ Dortmund đã “tiếp tay” cho Bayern với một điều khoản phá vỡ hợp đồng “chỉ” là 37 triệu euro. Từ kẽ hở này, Hùm xám đã tiếp cận được Goetze, sẵn sàng chi 10 triệu euro tiền lương/năm (so với 5 triệu euro/năm tại Signal Iduna Park) để có được cái gật đầu từ cầu thủ trẻ này. “Goetze không có lỗi. Cậu ta đã làm đúng tất cả những gì đã ký kết giữa hai bên”, chính GĐĐH Watzke thừa nhận.
Goetze là một tài năng trưởng thành từ lò đào tạo của Dortmund và là rất được lòng các CĐV nhà. Và khi một cầu thủ như Goetze sẵn sàng dứt áo ra đi thì mọi ngôi sao khác cũng có thể làm điều đó. Sau Goetze, Lewandowski cũng đang trên đường rời Signal Iduna Park. Giống như Goetze, Lewandowski cũng đã được BLĐ bật đèn xanh rời đội bóng thông qua việc xác nhận sẽ không gia hạn hợp đồng (hết hạn vào Hè 2014).
Phải tới sau khi Lewandowski gần như đạt được thỏa thuận đầu quân cho Bayern, Dortmund mới quay lại thuyết phục chân sút này ở lại. Việc thay đổi ý định muộn màng này chỉ đẩy Dortmund vào vòng luẩn quẩn, còn khả năng giữ tiền đạo người Ba Lan là gần như không thể.
MẤT BÒ MỚI LO LÀM CHUỒNG
Hơn ai hết, BLĐ Dortmund giờ đây đã thấu hiểu “Tình yêu đích thực” vẫn phải có những điều kiện của nó để có thể tồn tại. Đó có lẽ là bài học mà họ đã học được từ Bayern. Khi nhận lời đầu quân cho Bayern, Goetze cũng đòi hỏi đội bóng này một điều khoản phá vỡ nhưng ngay lập tức đòi hỏi đó đã bị bác bỏ. “Ở Munich, không một cầu thủ nào có điều khoản phá vỡ hợp đồng”, GĐĐH Rummenigge khẳng định.
Đúc kết từ bài học đó, GĐĐH Watzke cũng khẳng định: “Goetze là cầu thủ cuối cùng của Dortmund có một điều khoản phá vỡ trong hợp đồng. Một sai lầm tương tự sẽ không bao giờ lặp lại”. Đây đáng ra là điều mà Dortmund phải áp dụng từ cách đây 1-2 năm, khi họ đang trên đường trở lại đỉnh cao. Giờ đây, thay vì cố gắng giữ chân Lewandowski trong “cuộc chiến không cân sức” với Bayern và các đại gia châu Âu, Dortmund nên dành thời gian để kiện toàn lại bộ máy, xúc tiến gia hạn hợp đồng với các trụ cột bằng việc sẵn sàng chi lương cao, ký những hợp đồng chặt chẽ… Chỉ có như thế, Dortmund mới có thể tiếp tục duy trì thành công và trở thành một ông lớn thực thụ.
CĐV Dortmund căm giận Goetze

Trong trận đấu giữa Dortmund và Bayern (1-1) cuối tuần qua, các CĐV đội bóng vùng Ruhr đã chăng rất nhiều băng-rôn với nội dung chỉ trích Goetze và cho rằng cầu thủ này “không có trái tim”. Nhưng ngay cả BLĐ Dortmund cũng thừa nhận Goetze không có lỗi khi chuyển sang Bayern, bởi đó là bến đỗ lý tưởng hơn cho tài năng này.
Đại gia chi tiêu kiểu… hà tiện!
Những năm qua, Dortmund liên tục phá vỡ kỷ lục trong kinh doanh. Đơn cử như ở năm tài khóa 2011/12, Dortmund đạt doanh thu 189 triệu euro và lãi 14,23 triệu euro, đều là những con số kỷ lục của chính họ.

Thế nhưng, nếu nhìn vào số tiền mà họ bỏ ra để chuyển nhượng cầu thủ thì đó là cả một sự đối lập lớn. Mùa giải 2012/13 là thời điểm Dortmund chi nhiều tiền nhất trong 5 năm qua những cũng chỉ là 26,65 triệu euro, trong đó có 17,1 triệu euro cho riêng Marco Reus (từ M’gladbach). Đây là một con số hết sức khiêm tốn nếu đem so với “kình địch” Bayern. Mùa 2012/13, Bayern đã chi tổng cộng 70,3 triệu euro để bổ sung lực lượng. Chính việc tích cực đầu tư vào TTCN đã giúp Bayern chấm dứt sự thống trị của Dortmund tại Bundesliga mùa này.